Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội: ‘Áo giáp’ bảo vệ người dùng

Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội không chỉ là 'áo giáp' để chống lại những hành vi sử dụng mạng xã hội vô văn hóa, đưa họ trở về với 'con người' đúng nghĩa, mà còn tạo ra sự bình đẳng cho số đông.

Trong những buổi báo cáo cho các cơ quan, doanh nghiệp về an ninh mạng và sử dụng mạng xã hội an toàn, văn minh, tôi không quên truyền đạt: Không ai bảo vệ một tập thể bằng chính những nhân viên trong đó.
Vậy nên, tôi thường bắt đầu những trò chuyện về mạng xã hội bằng việc đề ra một yêu cầu cấp thiết mà mỗi tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp… cần làm là chủ động xây dựng quy chế sử dụng mạng xã hội cho chính mình.

Ranh giới mong manh giữa tự do và hoang dã 

Năm 2019, khi luật An ninh mạng có hiệu lực, nhiều người đã rất trông chờ vào một môi trường “ảo” trong sạch tại Việt Nam nhờ những chế tài được quy định. Nhưng, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có những lý do về ngoại giao, các văn bản hướng dẫn thi hành của luật An ninh mạng đến nay vẫn chưa được thông qua. Đã có một thời gian dài môi trường mạng Việt Nam trở nên bát nháo, bị vấy bẩn bởi vô số những thông tin, vụ việc của đủ những mọi người, từ nổi tiếng đến không nổi tiếng, từ có quyền chức đến không có chức quyền… Và tất nhiên việc xử lý của chúng ta vẫn gặp nhiều lúng túng, thậm chí có những câu chuyện bi hài.
Trở lại với câu chuyện livestream thu hút hàng chục ngàn lượt xem của một nhân vật gần đây, có thể thấy, chưa bao giờ mạng xã hội lại trở thành một “mảnh đất” màu mỡ để tạo ra nhiều tranh luận như thế.
Tôi đã thử vào một diễn đàn trên facebook và “trả lời” một conment (nhận xét) để nói ngược chiều về nhân vật kia. Ngay lập tức, tôi “nhận” được hàng trăm bình luận với những ngôn từ mà ngay cả một quyển từ điển hoàn hảo nhất có khi cũng bất lực.

Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội giúp chúng ta hy vọng sẽ có môi trường mạng trong sạch hơn, tránh những hội nhóm "anti", bình luận tiêu cực trên mạng

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Nhưng tôi không mấy bận tâm, bởi theo tôi, hãy không lăng nhục người lăng nhục, và đừng bao giờ bênh người bị mạt sát bằng cách mạt sát kẻ mạt sát. Nhà nghiên cứu Đặng Hoàng Giang đã có lý khi nói rằng “nếu bạn tham gia vào một cuộc ném bùn với mục đích giữ cho mình sạch thì bạn đã thua ngay từ đầu”.
Như vậy, câu chuyện đặt ra ở đây là, không chỉ người mạt sát bạn xấu, mà chính bạn, khi phản ứng bằng cách mạt sát lại chính người mạt sát mình hay những người xung quanh, cũng chẳng lấy gì là tốt đẹp. Quy luật xã hội đã cho chúng ta thấy rằng, biểu lộ bức xúc không chứng minh ta vô can. Không ít người có xu hướng chứng minh đạo đức của mình bằng cách hạ thấp đạo đức của người khác - đó là một quyết định sai lầm.
Hiền nhân đã từng dạy rằng, ta chỉ có thể có tự do thật sự khi tự do của mình không giẫm đạp lên tự do của người khác. Tự do và hoang dã có một ranh giới vô cùng mong manh. Nếu tự do không đi liền với trí tuệ lẫn đạo đức sẽ tự chuyển hoá thành hoang dã mà chính người trong cuộc không thể ngộ giác được. Đừng bao giờ muốn người khác lịch sự với mình, nhưng lại muốn được tự do bất lịch sự với người khác.
Bảo vệ những người sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh
Việc ra đời Bộ Quy tắc ửng xử trên mạng xã hội mà Bộ Thông tin và Truyền thông vừa mới ban hành là rất cần thiết, dù hơi muộn. Có thể nói, nếu luật An ninh mạng và các văn bản luật khác có liên quan là quy định ở “thượng tầng”, thì Bộ Quy tắc này có tác dụng rất tốt ở “hạ tầng”. Những quy tắc như: Quy tắc tôn trọng, tuân thủ pháp luật; Quy tắc lành mạnh; Quy tắc an toàn, bảo mật thông tin; Quy tắc trách nhiệm, hay những quy định nhằm định danh chính xác được người dùng mạng… không chỉ là “áo giáp” để phòng ngừa và đủ sức chống lại những hành vi sử dụng mạng xã hội vô văn hóa, đưa họ trở về với “con người” đúng nghĩa, mà còn có tác dụng rất lớn trong tạo ra sự bình đẳng cho số đông, bảo vệ chính những người vốn đã sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh nhưng vô tình trở thành yếu thế trước những người không tuân thủ luật.

Không thể "ta thích làm gì thì làm"  trên mạng xã hội

Trong cuốn Tử tế: Ứng xử, đạo đức và quy ước của dân chủ, Stephen Carter đã đưa ra 5 nguyên tắc để cho một cuộc sống tử tế, trong đó có nguyên tắc “khi có bất đồng chính kiến, chúng ta không che giấu nó, nhưng giải quyết nó trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau”. Điều đó có nghĩa, tử tế cho phép, thậm chí có lúc yêu cầu ta phê bình người khác, nhưng hành vi phê bình phải luôn luôn đúng mực và tôn trọng. Cũng là FACE, nhưng nó là “mặt người” hay “mặt ác quỷ” đều do chính sự ứng xử của chúng ta. Hãy hành xử có trách nhiệm công dân, và tất nhiên, trước khi chê trách người khác, hãy tập làm người tử tế…
Như Đặng Hoàng Giang đã phân tích, không có tử tế thì không bao giờ có đối thoại văn minh. Trong Thiện, ác và smart phone, ông đã dẫn giải rằng, “bạn không nhất thiết phải đồng tình hay ủng hộ người khác, thậm chí không phải gần gũi hay yêu quý anh ta, nhưng bạn hãy đối xử với anh ta theo cách mà bạn muốn anh ta đối xử với bà ngoại của bạn”. Sự sai lầm trong nhận thức về tự do, về quan điểm, rồi từ đó hình thành lối suy nghĩ “ta thích làm gì thì làm” trên mạng xã hội đã tạo cho không ít người lối suy nghĩ vô kỷ luật, bất chấp luật pháp. Với những kẻ cố tình sử dụng mạng xã hội để bịa đặt, xuyên tạc sự thật, làm hại người khác phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. 
Và vì vậy, với việc ra đời Bộ Quy tắc ửng xử trên mạng xã hội, chúng ta có quyền hy vọng về một môi trường mạng ngày càng “sạch”. Đó là trách nhiệm công dân, và cũng là lợi ích của công dân, của quốc gia, dân tộc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.