Bỏ sổ hộ khẩu, sẽ thay đổi cách tuyển sinh đầu cấp ?

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
11/06/2020 07:02 GMT+7

Dự án luật Cư trú sửa đổi trình Quốc hội vừa qua có một chính sách quan trọng là bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong quản lý dân cư. Nếu điều này thực hiện thì tuyển sinh đầu cấp như hiện nay có thay đổi?

Bất cập tuyển sinh theo hộ khẩu

UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh các lớp đầu cấp từ năm học 2020 - 2021. Kế hoạch tuyển sinh sẽ bắt đầu từ đầu tháng 7. Trong đó các lớp đầu cấp mầm non, tiểu học, THCS tuyển sinh theo địa bàn cư trú dựa trên hộ khẩu và KT3.
Việc tuyển sinh theo hộ khẩu kéo dài nhiều năm qua trên nguyên tắc tất cả trẻ em đến độ tuổi đều được đi học tại các trường theo hộ khẩu cư trú. Tuy nhiên, trên thực tế việc tuyển sinh này đã bộc lộ một số bất cập.
Anh Nguyễn Thanh Quang, trưởng phòng kế toán một công ty về xăng dầu, hiện cư trú và có hộ khẩu tại chung cư Lý Thường Kiệt (P.7, Q.11, TP.HCM), đang gặp khó khăn trong việc xin cho con vào lớp 1 năm học tới. Lý do là anh Quang chuẩn bị bán căn hộ đang ở để chuyển về P.Hiệp Bình Phước (Q.Thủ Đức, TP.HCM). Anh dự kiến xin cho con học lớp 1 trường tiểu học công lập gần nhà mới nhưng đến nay anh chưa đủ thời gian chuyển hộ khẩu từ Q.11 sang Q.Thủ Đức. Nếu cho con đi học theo hộ khẩu cũ thì không thực tế mà học theo chỗ ở mới lại không đáp ứng được về điều kiện hộ khẩu.
Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết các trường công lập tuyển sinh theo tuyến dựa trên hộ khẩu chủ yếu áp dụng cho lớp 1. Việc này xuất phát từ mong muốn của ngành giáo dục là học sinh (HS) đi học tại các trường gần nơi cư trú theo hộ khẩu và để đảm bảo phân bố các em đến tuổi đều được đi học. Tuy nhiên, khi áp dụng, thực tế cũng phát sinh một số vấn đề. Bất cập nhất là do cách phân bố về địa giới hành chính, tại TP.HCM thường có tình trạng HS không thể học trường gần nhà vì không đúng tuyến theo quy định của UBND quận, huyện.

Chính sách cần công bằng cho mọi người dân

Chia sẻ về những bất cập kể trên, ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An, từng là Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết khi còn làm tại Sở, ông cũng thường xuyên gặp các trường hợp phụ huynh đến đề nghị can thiệp vì vướng mắc chuyện học của con liên quan đến hộ khẩu. Thông thường nhất là HS có hộ khẩu tại một quận nhưng trường gần nhà lại thuộc quận khác. Trường hợp này xảy ra nhiều nhất ở 2 quận có dân cư đông, địa giới hành chính phức tạp là Tân Phú và Bình Tân. Nhiều HS ở Q.Tân Phú không thể học trường gần nhà vì trường này thuộc Q.Bình Tân.
“Hiện nay hình thức tuyển sinh lớp 1 và lớp 6 của TP.HCM cơ bản vẫn dựa trên hộ khẩu. Có những em hộ khẩu một quận nhưng lại đang ở quận khác. Khi các trường tuyển sinh, hồ sơ các em này sẽ xét sau HS có hộ khẩu đúng tuyến. Điều này dẫn đến hiện tượng “chạy hộ khẩu”, nghĩa là một số HS muốn vào học một trường thì xin nhập hộ khẩu vào một gia đình nào đó đúng tuyến. Ngược lại, có những HS thật sự sinh sống ngay nơi trường đóng nhưng không có hộ khẩu thì không được xem xét hoặc xét sau nếu còn chỉ tiêu”, ông Hoàng cho biết.
Tuyển sinh đầu cấp theo hộ khẩu như hiện nay khiến lãnh đạo các quận, huyện phải đổi tuyến liên tục để tránh “chạy” hộ khẩu. Chẳng hạn có trường mỗi năm thay đổi tuyển sinh theo phường khác nhau để ngăn việc phụ huynh nhập hộ khẩu vào một gia đình nào đó nhằm cho con theo học trường “điểm”.
Ông Đỗ Minh Hoàng cũng cho biết thông thường khi phụ huynh rơi vào các trường hợp bất cập về hộ khẩu, nếu đề nghị mà thấy hợp lý thì Sở can thiệp cho HS vào học trường gần nhà. “Tuy nhiên, chính sách thì không thể giải quyết riêng như vậy. Xử lý linh hoạt thì không công bằng giữa quận này với quận kia, trẻ này với trẻ kia. Chính sách cần công bằng cho mọi người dân. Vì vậy, cần phải tính toán lại cách tuyển sinh theo hộ khẩu”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Thay sổ hộ khẩu bằng mã số định danh cá nhân
Ngày 24.5, Chính phủ chính thức trình Quốc hội dự án luật Cư trú sửa đổi, trong đó đề xuất bỏ sổ hộ khẩu từ năm 2021 khi luật có hiệu lực.
Một trong những chính sách quan trọng được Chính phủ đề xuất lần này là bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong quản lý dân cư. Thay vào đó, việc quản lý sẽ được thực hiện bằng mã số định danh cá nhân cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú chạy trên internet.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.