Bộ trưởng GD-ĐT chủ trì 'hội nghị Bình Than' tìm cách giảm áp lực giáo viên

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
14/12/2018 11:32 GMT+7

Sáng nay, 14.12, chủ trì buổi toạ đàm về áp lực của giáo viên tổ chức tại ĐH Sư phạm Hà Nội, Bộ trưởng GD - ĐT ví đây như “hội nghị Bình Than” để lắng nghe và tìm cách giảm áp lực cho giáo viên .

Phát biểu mở đầu buổi tọa đàm, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị các thầy cô giáo, các chuyên gia giáo dục tham gia tọa đàm trao đổi cởi mở, thẳng thắn các vấn đề cần quan tâm, không phải là buổi báo cáo thành tích, không phải để mô tả những việc đã làm, mà coi đây như là "hội nghị Bình Than" để nhìn nhận giải quyết vấn đề giáo viên.
Theo ông Nhạ, còn nhiều việc cần nhìn nhận, đặc biệt là những bất cập yếu kém, nếu không nhìn nhận thẳng thắn trên tinh thần xây dựng, có lộ trình bước đi trên tầm nhìn phù hợp, thì không thể chủ động để giải quyết tận gốc vấn đề mà cuốn theo vấn đề ngọn, giải pháp lúng túng.
"Ai cũng biết giáo dục phải ổn định, nhưng phải ổn định trong sự thay đổi. Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, mong muốn của xã hội, chúng ta phải thay đổi, nhưng thay đổi thế nào để không sốc, tạo được động lực cho giáo viên. Khi giáo viên thực sự coi sự đổi mới này như nhiệm vụ của mình, tìm thấy cơ hội đổi mới, khi đó sẽ thành công", ông Nhạ nêu quan điểm.
Theo Bộ trưởng, "gần đây dư luận xã hội bàn nhiều về sự lo lắng của các thầy cô, tôi cũng rất trăn trở. Đại đa số các thầy cô tâm huyết, yêu nghề, nếu không yêu nghề không vượt qua được khó khăn đâu. Lương giáo viên cũng là một vấn đề, nhưng để theo được nghề và cao hơn là yêu được nghề, thì lương chưa phải là giải pháp căn cơ. Muốn yêu nghề, muốn cống hiến phải ổn định công việc, thu nhập ổn định, đây là nhu cầu chính đáng. Vị thế của các thầy cô rất lớn, đây là nghề cao quý, nhưng cũng vì thế mà đôi khi tạo ra áp lực".
Nhấn mạnh trách nhiệm của Bộ là lắng nghe tham mưu của các nhà giáo, từ cuộc tọa đàm hôm nay và tới đây là ý kiến các giáo viên, cơ sở giáo dục cả những vùng khó khăn nhất, để có cái nhìn tổng thể, thực tế về những áp lực đội ngũ giáo viên gặp phải (từ chính thầy cô và môi trường các thầy cô đang hoạt động, từ cơ chế chính sách, thu nhập, phụ cấp, môi trường xã hội, gia đình, thậm chí từ học sinh…), ông Nhạ cho rằng cần những giải pháp căn cơ và giải pháp nào nhận được sự ủng hộ của giáo viên sẽ thành công.
Người đứng đầu ngành GD - ĐT cũng lưu ý giáo viên chịu áp lực nhưng không thể vin vào áp lực để đi ngược lại chuẩn mực đạo đức. Và không thể vì những trường hợp cá biệt đó mà khái quát lên làm cho các thầy cô lo lắng. "Trách nhiệm của chúng ta là làm cho các thầy cô yên tâm. Đâu là sai phải sửa, không sửa được đưa ra khỏi ngành. Còn những thầy cô làm tốt, chúng ta phải động viên, bảo vệ", Bộ trưởng Bộ GD - ĐT bày tỏ quan điểm.
Ông Nhạ cũng cho hay, tới đây sẽ tập trung vào các trường sư phạm. Trước hết, chính sách tuyển sinh vào các trường sư phạm có phù hợp không, trong quá trình đào tạo, chương trình đào tạo bồi dưỡng, phần dạy chữ có thể yên tâm, nhưng phần dạy người, đặc biệt rèn giáo sinh để phát huy phẩm chất nhà giáo, để khi ra trường với phẩm chất, kỹ năng ấy có thể tự ứng xử được nhiều vấn đề của nhà trường, từ đấy chủ động giảm áp lực.
"Chúng ta nhìn rất nhiều thầy cô hiểu sâu sắc về khoa học giáo dục, tâm lý, có kỹ năng xử lý tình huống thì sẽ chủ động hơn, ít áp lực hơn. Ngược lại, có những thầy cô chưa được trang bị, thậm chí không phù hợp với nghề, có những cơ sở đào tạo ngắn, chỉ có chứng chỉ là ra làm giáo viên, trong khi rèn luyện phẩm chất, kỹ năng là một quá trình. Những yếu tố trong nhà trường để hình thành nên một cô, thầy trong tương lai nó ảnh hưởng rất lớn đến năng lực xử lý tình huống và giảm áp lực cho giáo viên", ông Nhạ chia sẻ.
Qua buổi tọa đàm, tư vấn, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT cho biết sẽ lĩnh hội ý kiến của các thầy cô và chuyển tải vào các chính sách lớn, để các thầy cô có một môi trường yên tâm trong giảng dạy và tiếp tục phấn đấu đóng góp cho ngành. Tới đây, ngành GD - ĐT sẽ  triển khai nhiều hoạt động bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại, thực hiện các chuẩn, đặc biệt là thực hiện dân chủ trong nhà trường.
“Rất nhiều quy định cần rà soát lại, những gì không phù hợp, gây áp lực cho giáo viên sẽ cắt bỏ. Thậm chí, thi giáo viên giỏi cũng phải thực chất; tiếp tục cắt giảm các cuộc thi, sổ sách, đánh giá gây áp lực không cần thiết cho giáo viên”, ông Nhạ khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.