Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh từ năm 2022

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
25/08/2021 16:06 GMT+7

Tại Hội nghị tổng kết và triển khai nhiệm vụ năm học mới với giáo dục đại học, ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT , cho rằng: năm 2022 sẽ là bước đi đầu trong đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh .

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn yêu cầu: tinh thần là tuyển sinh ĐH năm học tới sẽ có sự đổi mới để thích nghi với việc kỳ thi tốt nghiệp THPT phải năng động hơn trước ảnh hưởng của dịch bệnh; tăng cường phân cấp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
"Năm 2022 sẽ là bước đi đầu, khả năng sẽ là năm có bước giao thời, chuẩn bị cho đổi mới toàn diện hơn vào năm sau. Kịch bản đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH sẽ được lấy ý kiến và hoàn thiện hơn trong thời gian tới", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu thông tin ban đầu.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành GD-ĐT chỉ ra có một việc có thể làm ngay, đó là: 2 ĐH quốc gia và các ĐH vùng, nơi nào chưa có cần bắt tay vào xây dựng hệ thống các trung tâm khảo thí. Đặc biệt các ĐH vùng sẽ đóng vai trò là hạt nhân cho việc kiểm tra, đánh giá, tuyển sinh trong thời gian sắp tới.
Bộ trưởng Sơn đề nghị các ĐH vùng cần tập trung các dự án, các nguồn đầu tư thường xuyên và cả trung hạn, ưu tiên cao cho xây dựng các hệ thống khảo thí kiểm tra đánh giá để tạo đề cơ sở vật chất cho chủ trương đổi mới thi trong thời gian tới.
“Cụ thể phương án như thế nào thì Bộ sẽ thống nhất với các đơn vị và xin ý kiến”, ông Sơn nói.

Địa phương vẫn đề nghị "phân cấp"

Ghi nhận và phản ánh của Báo Thanh Niên từ nhiều năm nay, không ít ý kiến đã đề nghị Bộ GD-ĐT giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho các địa phương; các trường ĐH, CĐ tự chủ trong việc tuyển sinh theo đúng tinh thần của luật Giáo dục ĐH, thay vì Bộ GD-ĐT tổ chức thi tốt nghiệp THPT và phần lớn các trường ĐH lấy kết quả này để xét tuyển như lâu nay.
TP.HCM là địa phương đã có ít nhất 3 lần đề nghị Bộ GD-ĐT giao cho địa phương tự tổ chức thi và công nhận tốt nghiệp THPT, từ năm 2016 đến nay.
Mới đây nhất, vào ngày 17.5, trong báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 16 và Nghị quyết 54, Sở GD-ĐT TP.HCM tiếp tục đề xuất Bộ GD-ĐT giao quyền cho cấp tỉnh kiểm tra đánh giá và công nhận tốt nghiệp THPT. Còn Bộ GD-ĐT sẽ định kỳ tổ chức đánh giá chất lượng giáo dục của các tỉnh, thành theo các chuẩn quốc tế (PISA, PASEC...) và công bố rộng rãi toàn quốc.
Thực tế, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2 năm qua đã diễn ra rất căng thẳng, vất vả trong khâu tổ chức và nhiều bất an với tất cả đối tượng tham gia, do vừa phải thực hiện ở quy mô kỳ thi quốc gia, vừa phải phòng chống dịch bệnh với những diễn biến rất khác nhau ở mỗi địa phương.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.