Vừa giành giật sự sống cho F0, vừa thi tốt nghiệp trong bệnh viện dã chiến

24/08/2021 07:23 GMT+7

Sau mỗi ngày chống dịch mệt rã rời, sau từng phút từng giây cố giành giật sự sống cho F0… thì tranh thủ giờ nghỉ, các sinh viên y năm cuối lại lao vào ôn bài và thi tốt nghiệp ngay trong các bệnh viện dã chiến .

Có những sinh viên y năm cuối, đang căng thẳng với kỳ thi tốt nghiệp ra trường nhưng nghe thông tin cần sinh viên chống dịch, các bạn đã ngay lập tức đăng ký. Dẫu biết rằng, sẽ rất vất vả khi đi chống dịch mà kỳ thi quan trọng nhất suốt 6 năm đèn sách ở giảng đường đại học chưa hoàn thành, nhưng để lựa chọn giữa việc tham gia đẩy lùi dịch bệnh, giữa việc giành giật sự sống cho F0… thì các bạn đã không một phút chần chừ. Và thế là, vừa đi chống dịch, các bạn vừa ôn và thi tốt nghiệp trong bệnh viện dã chiến.

Bác sĩ nói về sự nguy hiểm của Covid-19: “Đôi khi trở tay không kịp”

Ráng hết sức để cứu F0 nặng có thể khỏe mạnh trở lại

Tham gia chống dịch từ ngày Bệnh viện dã chiến thu dung 3 thành lập đến nay đã gần 3 tháng, Phạm Kim Lộc (sinh viên năm cuối Trường ĐH Y Dược TP.HCM) đảm nhận nhiệm vụ trực cấp cứu và chăm sóc bệnh nhân F0, tham gia lấy mẫu định kỳ để đánh giá tiêu chuẩn xuất viện và hoàn tất hồ sơ bệnh án… Lộc cho biết nhiều lúc cũng đắn đo vì bài vở cho kỳ thi chưa hoàn thành mà đến ca trực, nhưng rồi gác lại tất cả, Kim Lộc luôn chọn đi vào ca trực để giành giật sự sống cho bệnh nhân.

Mỗi ngày, Kim Lộc cũng như các sinh viên y năm cuối đang chống dịch tại Bệnh viện dã chiến thu dung 3 đều vừa phải cố gắng hết mình để giành giật sự sống cho các F0, vừa phải ôn và thi tốt kỳ thi tốt nghiệp trong bệnh viện dã chiến

“Mình đắn đo vì bài vở còn quá nhiều, sợ không thể thi được, nhưng giữa sự sống của bệnh nhân thì mình không thể do dự được. Mình vẫn chọn đi cứu bệnh nhân, và về thay vì nghỉ thì mình tranh thủ ôn bài bù”, Kim Lộc chia sẻ.
Mỗi lần vào ca trực, Lộc quên hết tất cả những áp lực bài vở chưa hoàn thành cho kỳ thi tốt nghiệp, mà chỉ toàn tâm tập trung vào chăm sóc và cứu chữa bệnh nhân F0. “Vào nhiệm vụ là mình cắm đầu làm, không có thời gian suy nghĩ đến bất cứ điều gì nữa hết. Thường thì mình làm thuốc, thay bình ô xy, rồi nhồi tim, bóp bóng cho bệnh nhân… Vì mình trực cấp cứu nên đa phần là bệnh nhân F0 nặng, chính vì thế, mình và cả đội luôn cố hết sức để giành giật sự sống cho bệnh nhân. Dù bệnh nhân đang thở ô xy hay suy hô hấp thì tụi mình cũng ráng hết sức cấp cứu để người bệnh tỉnh lại, hay đang thở máy thì tụi mình cũng ráng để giúp bệnh nhân khoẻ mạnh lại và về lại với gia đình của họ…”, Lộc kể.

Mỗi ngày Đào Quang Lộc (bên phải) cũng tất bật với công việc ở khu cấp cứu Bệnh viện dã chiến thu dung 3

Ngoài ca trực cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân F0 thì Lộc còn tham gia lấy mẫu, làm hồ sơ cho bệnh nhân xuất viện… Công việc chống dịch dường như chiếm hết thời gian một ngày, nhưng sau mỗi ngày, các bạn còn phải tranh thủ ôn bài để hoàn thành kỳ thi quan trọng của 6 năm đại học.
Hỏi về lý do tại sao đang trong kỳ thi vẫn chọn tham gia đi chống dịch, thì Lộc chia sẻ: “Khi lựa chọn tham gia chống dịch nhưng vẫn mang gánh nặng đèn sách của 6 năm đại học, mình vẫn tin rằng với lượng kiến thức tích luỹ được trong những năm qua sẽ giúp đỡ nhiều bệnh nhân có thể hồi phục, đoàn tụ với gia đình hay thậm chí là giành lại sự sống cho người bệnh từ tay “tử thần”. Sẽ có nhiều bạn lựa chọn việc tập trung ôn thi để có kết quả tốt nhất thay vì lựa chọn mặc bộ đồ bảo hộ và tinh thần thép chiến đấu lại dịch bệnh, nhưng với mình việc tham gia trong công cuộc chống dịch là cơ hội để học hỏi và cống hiến sức mình”.
Cũng giống Lộc, Bùi Thanh Hiếu (sinh viên năm cuối Trường ĐH Y Dược TP.HCM) chọn vừa đi chống dịch, vừa ôn và thi tốt nghiệp. Hiếu chia sẻ: “Lý do mình chọn đi chống dịch thật ra cũng chính là lý do mà mình chọn học y. Đó là đóng góp sức mình vào việc chăm sóc sức khỏe cho người dân. Khi thấy thông tin đang cần sinh viên tham gia chống dịch, mình nhận ra rằng đây chính là thời điểm mà xã hội cần mình, là lúc mà mình có thể lấy những trải nghiệm trong 6 năm học để làm việc và góp phần vào công tác đẩy lùi dịch bệnh”.

Hiếu trong một lần lấy mẫu cho người dân ở TP. Thủ Đức

Hiếu cũng bày tỏ thêm: “Mình biết khi đi chống dịch sẽ ảnh hưởng đến việc ôn bài và thi cử, nhưng mình nhận thấy tình hình dịch đang rất căng thẳng, rất nhiều nhân viên y tế đã kiệt sức, và các bạn tình nguyện viên khác cũng đã tham gia chống dịch trước mình một thời gian khá lâu rồi. Mình tự nói với bản thân: “Không phải bây giờ thì là khi nào?”. Nên nỗi lo ngại về kết quả học tập chưa bao giờ là điều khiến mình từ chối tham gia chống dịch”.
Còn Đào Quang Lộc, sinh viên năm cuối Trường ĐH Y Dược TP.HCM, thì chia sẻ: “Mặc dù đây là giai đoạn kỳ thi tốt nghiệp với nhiều căng thẳng, áp lực nhưng mình tự cảm thấy bản thân là sinh viên y, một bác sĩ sắp ra trường và là một thanh niên trẻ khỏe của Tổ quốc thế nên mình đã quyết định tham gia đi chống dịch mà không phút đắn đo, ngần ngại”.

20 bệnh nền có nguy cơ gia tăng mức độ nặng khi mắc Covid-19 2

Nhiều hôm muốn ngất xỉu, lúc đang thi thì bị mất internet

Hiếu tham gia chống dịch từ ngày 28.6, là thời điểm mà dịch ngày càng căng thẳng, số ca nhiễm hằng ngày tăng cao, và mặc dù hỗ trợ tại bệnh viện chứ không phải bệnh viện dã chiến như các bạn khác nhưng Hiếu cũng tham gia khá nhiều công việc và nhiệm vụ khác nhau.
“Thời gian đầu mình tham gia hỗ trợ chích ngừa tại các điểm tiêm của bệnh viện Lê Văn Thịnh quản lý. Sau đó mình tham gia công tác lấy mẫu lưu động, giao nhận mẫu trong bệnh viện, và gần như đa số thời gian là mình đi lấy mẫu cộng đồng tại các phường của TP. Thủ Đức. Đôi khi công việc cũng khá nặng, thời điểm mình cảm thấy mệt nhất là lần lấy mẫu liên tục hơn 8 tiếng đồng hồ. Mặc đồ bảo hộ đứng lấy lâu cũng khá đuối, nhưng mà dần dần thì cũng quen”, Hiếu kể.

Trực tiếp lấy mẫu và nhiều hôm phải đứng lấy mẫu suốt hơn 8 tiếng đồng hồ khiến Hiếu cũng thấy khá đuối, nhưng tinh thần chống dịch luôn trên hết nên với Hiếu làm riết rồi cũng dần quen

Việc đi chống dịch với khối lượng công việc nhiều, nên cũng không tránh khỏi những khó khăn và thử thách. Tham gia chống dịch được 3 tháng tại Bệnh viện dã chiến thu dung 3, Đào Quang Lộc kể: “Khó khăn nhất là những lúc trưa nắng nóng phải mặc đồ bảo hộ kín mít cả người, khát nước muốn ngất đi, hoặc những lúc làm các công việc giấy tờ, do có quá nhiều bệnh nhân và lượng thông tin quá tải mà phải hoàn thành trong khoảng thời gian giới hạn nên xảy ra sai sót làm cả đội rối cả lên. Thế nhưng bây giờ mọi việc đã dần quen thuộc hơn và tụi mình đã làm thành thạo hơn rất nhiều”.
Thời gian dành cho việc chống dịch khá nhiều, nên cũng ảnh hưởng đến việc ôn bài, nhưng với những “chiến binh” trong tâm dịch này thì không điều gì là không thể. Hiếu bày tỏ: “Tất nhiên khi đi chống dịch thì mình không có nhiều thời gian như trước nữa, nhưng điều này giúp mình tìm ra cách sử dụng thời gian của mình hiệu quả hơn, và tập trung vào những điểm cốt lõi khi ôn tập. Đã có lúc mình vừa phải cách ly vì nghi là F2, vừa học nhóm trực tuyến với các bạn. Lúc đó mình cảm thấy đúng là cuộc đời không ai lường trước được điều gì. Thật sự trước khi đi chống dịch mình cũng nghĩ là sẽ tham gia theo giờ giấc cố định, như là làm việc buổi sáng tới chiều, tối về ôn bài. Nhưng thực tế không như vậy. Tuy nhiên điều đó cũng giúp mình biết cách tự xử lý các tình huống phát sinh, và cố gắng hết sức trong khả năng có thể”.

Vừa chống dịch, vừa ôn và thi tốt nghiệp nhưng các bạn đều cũng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ và cả kỳ thi quan trọng của quãng đời sinh viên

Còn Quang Lộc thì kể: “Ban ngày mình vẫn làm việc và nhiệm vụ được giao như mọi người, tối đến mình tranh thủ xem qua bài và ôn tập lại một ít. Những ngày có buổi học trực tuyến mình sẽ đổi ca hoặc nhờ bạn bè khác trong nhóm làm thay rồi hôm sau lớp bạn ấy học mình sẽ làm bù lại. Sinh viên tham gia chống dịch trong nhóm mình cũng nhiều nên mọi người ai cũng hiểu và vui vẻ giúp đỡ lẫn nhau”.
Kim Lộc thì chưa bao giờ mường tượng ra viễn cảnh vừa ôn, thi tốt nghiệp và vừa tham gia chống dịch như thế này: “Có những lúc thời gian vào ca trực trùng với thời gian thi nhưng nhờ các anh chị linh động sắp xếp ca trực giúp mình. Rồi cơ sở vật chất trong bệnh viện dã chiến đôi khi chưa đáp ứng kịp thời, cũng như nhu cầu sử dụng mạng internet cao nên có những lúc mình thi thì mất kết nối mạng, nhưng rất may mắn từ phía nhà trường thấu hiểu và thông cảm cho mình hoàn tất bài thi”.
Mới đây, khi vừa hoàn thành xong kỳ thi tốt nghiệp, Hiếu đã lập tức đăng ký để chuyển qua Bệnh viện hồi sức Covid-19 ở quận Bình Tân, để có cơ hội được tham gia trực tiếp vào công việc điều trị bệnh nhân Covid, giành giật sự sống cho F0. “Thi xong mình thấy khá nhẹ nhõm. Giờ mình có thể toàn tâm toàn ý để chống dịch, làm việc được liên tục và tốt hơn, làm được nhiều việc hơn và có thể giúp đỡ được cho nhiều người hơn nữa”, Hiếu chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.