Cả nước thiếu gần 72.000 giáo viên mầm non và phổ thông

31/10/2020 11:08 GMT+7

Theo Bộ GD-ĐT, năm học 2019-2020, cả nước thiếu gần 72.000 giáo viên, trong đó ở khu vực mầm non giáo viên thiếu trầm trọng nhất .

Sáng nay, 31.10, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020. Hội nghị được tổ chức tại Trung tâm hội nghị Quốc gia (Hà Nội) và 63 điểm cầu trên toàn quốc. Tại hội nghị, Bộ GD-ĐT đã chia sẻ một số kết quả nổi bật của toàn ngành năm học 2019 - 2020, phương hướng nhiệm vụ của năm học 2020 - 2021 và những năm tiếp theo.
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, bên cạnh những kết quả, thành tích đạt được, ngành giáo dục cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục trong thời gian tới, như: tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông ở nhiều địa phương vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Chất lượng đội ngũ không đồng đều, một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng được nhu cầu đổi mới, chưa có ý thức giữ gìn đạo đức, phẩm chất và danh dự nhà giáo.
Cơ sở vật chất trường lớp còn thiếu, xuống cấp; còn tình trạng thiếu trường, lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp; thiếu đất cho xây dựng trường học, đặc biệt là ở các thành phố lớn…
Bộ GD-ĐT cho biết, hiện nay toàn quốc thiếu 71.941 giáo viên mầm non, phổ thông, trong đó giáo dục mầm non thiếu 45.242 giáo viên (đây là số lượng còn thiếu ở năm học 2019 - 2020 sau khi đã được bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non), tiểu học thiếu 12.450 giáo viên, THCS thiếu 4.486 giáo viên, THPT thiếu 9.763 giáo viên.
Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm ở các cấp học mầm non, phổ thông. Đội ngũ giáo viên cấp THCS và cấp THPT tuy về số lượng không thiếu nhiều như các cấp học dưới, nhưng còn chưa đảm bảo cơ cấu môn học, nhất là khi triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với một số môn học mới.
Với giáo dục mầm non, sở dĩ vẫn còn thiếu nhiều là do nhiều địa phương chưa thực hiện bố trí đội ngũ giáo viên mầm non theo Thông tư số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV; công tác tuyển dụng đội ngũ còn chậm, thiếu giáo viên.
Tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều địa phương tạo áp lực lớn cho đội ngũ trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ; tỉ lệ giáo viên/lớp ở một số địa phương rất thấp. Các tỉnh có tỉ lệ giáo viên/lớp thấp: Trà Vinh 1,32; An Giang 1,44, Kiên Giang 1,47, Kon Tum 1,36, Gia Lai 1,4.
Nhiều nơi giáo viên làm việc ngoài giờ kéo dài nhưng không được trả chế độ thừa giờ; thu nhập của giáo viên mầm non thấp, thời gian làm việc ở trường quá dài, áp lực công việc lớn (9-10 tiếng/ngày), ảnh hưởng đến cuộc sống của giáo viên. Một số giáo viên mầm non năng lực nghề nghiệp, kỹ năng sư phạm, xử lý tình huống trong chăm sóc, giáo dục trẻ còn hạn chế, dẫn đến gây mất an toàn cho trẻ. Nhân viên nấu ăn, bảo vệ, phục vụ trong các cơ sở giáo dục mầm non thiếu về số lượng và chưa có cơ chế để thực hiện chế độ, chính sách.
Bộ GD-ĐT cũng đánh giá chung về công tác xây dựng quy hoạch, dự báo nhu cầu về đội ngũ của nhiều địa phương chưa kịp thời hoặc không hiệu quả dẫn đến bị động trong bố trí số lượng giáo viên. Một số địa phương thực hiện việc tuyển dụng đội ngũ không đúng các quy định, đặc biệt là việc hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế được giao đối với giáo viên các cấp học, nhiều nhất là đối với cấp học mầm non, tiểu học.
Một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nhận thức về chuẩn nghề nghiệp còn hạn chế, chưa thực sự có ý thức giữ gìn đạo đức nhà giáo; thiếu phương pháp sư phạm, thiếu kinh nghiệm ứng xử trong khi áp lực công việc ngày càng lớn đã dẫn tới có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo; ở một số nơi, cán bộ quản lý giáo dục chưa chủ động nắm bắt thông tin để ngăn chặn, chấn chỉnh và xử lý kịp thời.
Việc đánh giáo viên còn một số bất cập; chính sách tiền lương đối với đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên mầm non chưa tương xứng nên chưa tạo được động lực phấn đấu cho đội ngũ.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, năm học 2019 - 2020 là một năm học “đặc biệt”, đầy khó khăn, thách thức đối với ngành giáo dục khi phải đối mặt và chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT đã thực hiện điều chỉnh kế hoạch năm học 2 lần và thời điểm kết thúc năm học chậm gần 2 tháng so với những năm học trước. Chính vì vậy, nên thời gian tổ chức hội nghị toàn ngành được tổ chức muộn hơn so với các năm trước. 

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.