Các trường quốc tế tại TP.HCM hoạt động như thế nào?

Bích Thanh
Bích Thanh
02/06/2020 14:57 GMT+7

Ngày 2.6, theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có báo cáo về tổng thể hoạt động của các trường quốc tế dạy chương trình nước ngoài và các trường tư thục có dạy chương trình nước ngoài.

Theo đó, về thực trạng hoạt động của các trường quốc tế, Sở chia các trưởng có dạy chương trình nước ngoài thành các loại hình như: Trường có 100% vốn đầu tư nước ngoài với 11 cơ sở giáo dục mầm non, 16 cơ sở giáo dục phổ thông có nhiều cấp học có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp phép hoạt động. Các trướng có vốn đầu tư nước ngoài có quyết định cho phép thành lập trường đều thực hiện tốt đăng ký hoạt động giáo dục, thực hiện đúng chương trình giảng dạy đã đăng ký. Chương trình học triển khai tại các đơn vị khá đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam và một bộ phận người Việt Nam, có thể kể đến chương trình của các quốc gia như Anh, Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Có gần 12.000 học sinh đang theo học tại các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài với cơ sở vật chất được đầu tư hiện đại, bằng cấp có giá trị ở nhiều quốc gia và được chấp nhận ở nhiều trường ĐH trên thế giới.

Loại hình trường Việt Nam được Bộ GD-ĐT phê duyệt thực hiện chương trình tích hợp, đã thực hiện đăng ký liên kết giáo dục theo quy định. Bao gồm 6 trường: Vinschool, Quốc tế Bắc Mỹ, Tây Úc, Việt Úc, Albert Einstein…

Loại hình trường Việt Nam có dạy chương trình nước ngoài: Có 4 cơ sở giáo dục thực hiện giảng dạy các chương trình của nước ngoài được Bộ GD- ĐT chấp thuận về mặt nguyên tắc thực hiện thí điểm các chương trình nước ngoài cho một bộ phận học sinh là người Việt Nam có nhu cầu. Tuy nhiên do không có quy định cụ thể về thời gian thí điểm nên các cơ sở này hiện vẫn giảng dạy và tuyển sinh. Đó là các trường: THCS- THPT Quốc tế APU, Quốc tế Sài Gòn Pearl; Quốc tế Canada; Quốc tế Mỹ.

Từ những thực trạng hoạt động nêu trên, trong báo cáo do Giám đốc Sở Lê Hồng Sơn ký và báo cáo với UBND TP.HCM có đưa ra khó khăn, vướng mắc: Các cơ sở giáo dục, khi thành lập trường có vốn đầu tư nước ngoài (được cấp giấy chứng nhận đầu tư) giảng dạy chương trình nước ngoài nhưng sau thời gian hoạt động thì chuyển nhượng toàn bộ vốn đầu tư nước ngoài cho người Việt Nam hoặc trường có vốn đầu tư hoàn toàn Việt Nam, qua thời gian hoạt động thì chuyển nhượng vốn đầu tư cho người nước ngoài. Như vậy khó khăn trong việc quản lý và chưa có quy định cụ thể đối với tiêu chuẩn hiệu trưởng và hiệu phó là người nước ngoài trong các trường quốc tế.

Cũng trong báo cáo vê tổng thể các trường quốc tế gửi UBND, Sở GD-ĐT TP.HCM kiến nghị thành phố chỉ đạo cụ thể đối với việc thực hiện các chương trình thí điểm đã được Bộ cho phép. Có hướng dẫn, quy định rõ ràng về việc giảng dạy và hoạt động của cơ sở giáo dục sau khi chuyển nhượng giữa nhà đầu tư nước ngoài và Việt Nam. Có hướng dẫn về tiêu chuẩn của vị trí quản lý nhà trường như đã nêu trên của các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.