Cân nhắc khi điều chỉnh nguyện vọng

15/07/2017 04:54 GMT+7

Có nên điều chỉnh hay không, thay đổi như thế nào để cơ hội trúng tuyển cao nhất... là những vấn đề được các chuyên gia lưu ý trong buổi tư vấn trực tuyến do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 14.7 để hôm nay (15.7), thí sinh chính thức điều chỉnh nguyện vọng.

Trường hợp nào nên điều chỉnh ?
Từ ngày 15 - 21.7 là thời gian thí sinh (TS) điều chỉnh nguyện vọng (NV) xét tuyển bằng hình thức trực tuyến và từ ngày 15 - 23.7 bằng phiếu giấy. Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, nhận định: “Nếu điểm của TS dưới điểm sàn xét tuyển của các trường thì chắc chắn phải điều chỉnh. Trong trường hợp điểm trên mức sàn xét tuyển từ 0,5 - 3 điểm thì TS nên cân nhắc. TS nào đạt điểm cao vượt trội so với điểm sàn của ngành mình thích mà trước đây không dám đăng ký do sợ không trúng tuyển, thì rất nên sử dụng “quyền điều chỉnh” này”.

Về phương thức thay đổi, tiến sĩ Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, lưu ý: “Nếu không tăng số lượng NV thì TS nên sử dụng phương thức trực tuyến, vì hệ thống kiểm soát lỗi tốt hơn khi đăng ký. TS chỉ nên điều chỉnh bằng phiếu giấy khi muốn tăng NV và thay đổi chế độ ưu tiên. Trong trường hợp này cũng cần đọc kỹ hướng dẫn để thực hiện đúng. Sau khi nộp phiếu tại điểm đăng ký dự thi, TS nên kiểm tra lại thông tin, đảm bảo thông tin được nhân viên tiếp nhận lưu lại trên máy hoàn toàn chính xác”.
Tiến sĩ Nghĩa nhấn mạnh, trước khi điều chỉnh, TS cần so sánh phổ điểm năm nay với năm 2016 để tính toán xác suất. Điểm của những trường, ngành mà mình đăng ký năm nay có khả năng cao hơn hay thấp hơn năm 2016? Số điểm cao hơn hoặc thấp hơn ước lượng là bao nhiêu?...
Tiến sĩ Dương Thị Hồng Hiếu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng cho rằng TS cần cân nhắc về việc đặt lại NV. “Ngay cả những trường ĐH tốp trên thì các ngành vẫn có mức điểm chuẩn khác nhau chứ không phải tất cả đều cao. TS quan tâm ngành nào cần vô trang web của trường để xem ngành mình muốn xét tuyển. TS nên tham khảo điểm chuẩn những năm trước, xem phổ điểm của tổ hợp môn mình đăng ký và xem mức điểm của mình có an toàn hay không. Nếu không chênh lệch quá xa thì vẫn đặt ngành đó là NV đầu tiên. Các NV còn lại có thể vẫn ngành đó nhưng ở trường lấy điểm thấp hơn hoặc ngành khác mà TS yêu thích”.
Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, lưu ý thêm TS chỉ được lựa chọn một trong 2 phương thức để điều chỉnh NV. Các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên, nếu mức điểm của TS đã an toàn đối với ngành học mình yêu thích và đã đăng ký làm NV trước đây thì không nên và không cần phải thay đổi.

Không phải trường nào cũng xét tuyển bổ sung
Để có thể trúng tuyển ngay đợt xét tuyển đầu tiên, cần những “kỹ thuật” nhất định. Trong đó, TS phải biết phân tích, so sánh phổ điểm của năm nay với những năm trước, nắm rõ thông tin về chỉ tiêu và nhận định mức điểm của bản thân nằm ở khoảng nào. Tuy nhiên, nếu không để ý, có thể sự so sánh của TS sẽ bị “trật”.
Về điều này, thạc sĩ Phan Thị Thu Phương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết: “Năm nay điểm chuẩn tính theo thang điểm 30. Nếu so sánh với những năm trước, các em cần lưu ý có một số trường trước đây lấy thang điểm 40, chẳng hạn Trường ĐH Mở TP.HCM năm trước thang điểm 40. Và cũng có một số ngành thay đổi cách tính điểm, có nhân đôi hệ số môn chính. Vì vậy, các em cần phải xem kỹ đề án tuyển sinh để có được nhận định chính xác, tránh lầm lẫn rồi bị trượt oan”.

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cũng nhấn mạnh: “Từ ngày 7.8 TS phải nộp hồ sơ nhập học. TS lưu ý không phải trường nào cũng xét tuyển bổ sung. Vì vậy, phải hết sức cân nhắc và có quyết định đúng đắn ngay trong giai đoạn điều chỉnh NV này”.
Bạn đọc có thể xem toàn bộ nội dung tư vấn tại các địa chỉ sau: thanhnien.vn, facebook.com/thanhnien và kênh YouTube Báo Thanh Niên.

Các ngành nhiều cơ hội trúng tuyển
Trong khi nhiều ngành có khả năng điểm chuẩn sẽ cao hơn ngưỡng xét tuyển đầu vào của Bộ, thì vẫn có những ngành được dự đoán sẽ chỉ lấy điểm chuẩn từ sàn lên khoảng 0,5 - 3 điểm.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, thông tin: “Ngành thú y trường đã chính thức được tuyển sinh từ năm 2017 với 100 chỉ tiêu. Ngoài việc sử dụng điểm THPT, các em có thể xét bằng học bạ năm lớp 12. Vì là ngành mới nên khả năng điểm chuẩn sẽ ngang điểm sàn”.
Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cũng cho biết năm nay trường lấy điểm xét tuyển cho tất cả các ngành là 15,5 và điểm chuẩn dự đoán sẽ không có biến động nhiều so với năm 2016.
Với Trường ĐH FPT, bên cạnh 2 phương thức xét tuyển là dùng điểm học bạ và THPT quốc gia, từ 21 điểm trở lên sẽ đủ điều kiện trúng tuyển, TS còn có thể đăng ký phương thức thứ 3. Đó là chỉ cần đạt 15,5 điểm và vượt qua kỳ thi sơ tuyển của trường.
Thạc sĩ Văn Thị Thiên Hà, Giám đốc hệ thống chương trình tiếng Việt Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho biết trường cũng đưa ra mức điểm xét theo kết quả thi THPT quốc gia là 15,5 và xét tuyển học bạ lớp 12 mỗi môn trong tổ hợp xét tuyển từ khá trở lên.
Thạc sĩ Trần Thanh Huy, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Hùng Vương, cho rằng TS dưới điểm sàn vẫn còn cơ hội vào trường bằng cách xét tuyển học bạ.
Với Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, ngoại trừ y học dự phòng xét TS từ 18 điểm trở lên thì tất cả các ngành còn lại đều xét 15,5 điểm.
Đối với những TS đủ điều kiện tốt nghiệp có điểm thi THPT quốc gia 10 điểm trở lên và điểm trung bình học bạ 5,5 trở lên là đủ điều kiện trúng tuyển vào Trường CĐ Đại Việt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.