'Cần tính tới không hạn chế đầu vào với người học tập suốt đời'

Hà Ánh
Hà Ánh
30/10/2018 13:07 GMT+7

Thông tin này được nêu ra trong hội thảo 'Vai trò của trường ĐH với việc học tập suốt đời của người lớn' do Bộ GD-ĐT phối hợp Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức diễn ra tại Trường ĐH Mở TP.HCM sáng 30.10.

Hội thảo đã thu hút sự có mặt của đại diện 25 cơ sở đào tạo ĐH trong cả nước tham dự.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng trường ĐH cần mở rộng cơ hội tiếp cận cho người học. Theo ông Độ, cần tính tới việc không hạn chế đầu vào và không định hướng văn bằng.
"Mục đích chính khi đi học của người lớn là phục vụ chất lượng công việc tốt hơn chứ không phải văn bằng đơn thuần", ông Độ nói.
Phát biểu tại đây, nguyên Phó chủ tịch nước - Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam - Nguyễn Thị Doan nhìn nhận: Nhìn vào sự phát triển của nước ta và nhiều nước trong khu vực và quốc tế, chúng ta thấy hiện có khoảng cách lớn về trình độ quản lý, trình độ chuyên môn, chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta nhìn chung còn thấp.

Theo bà Doan, các điều kiện này chưa đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế xã hội đang phát triển, thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ hiện nay và điều đó đang đe dọa phá vỡ nhiều kế hoạch trong chiến lược phát triển, trong đó có thị trường lao động.
“Nếu chúng ta không có giải pháp khắc phục thì điều này sẽ diễn ra nhanh chóng hơn chúng ta nghĩ”, bà Doan nói.
Nguyên Phó chủ tịch nước cho rằng có 5 đối tượng thuộc nhóm “người lớn học tập suốt đời”. Cụ thể là những người đang nắm các cương vị lãnh đạo muốn phát triển năng lực, trí tuệ, củng cố vị trí và luôn muốn hoàn thiện mình để có uy tín trong tổ chức.

Đó còn là người đang công tác trong các cơ quan, doanh nghiệp muốn nâng cao trình độ chuyên môn, chất lượng cuộc sống và không muốn có sự cách biệt với đồng nghiệp vì sự yếu kém của mình, nhất là khi cạnh tranh về vị trí công việc đang diễn ra gay gắt hiện nay.

 

Thứ 3 là những người đã về hưu muốn tìm đến các trường ĐH để đọc, nghe, học và tìm hiểu các chuyên đề phục vụ cho cuộc sống mới, có thể họ muốn khởi nghiệp, muốn tìm hiểu văn hóa ứng xử của người già, họ cũng muốn học các môn về nâng cao sức khỏe.

 

Thứ 4 là cán bộ giảng dạy trong các trường ĐH muốn học liên tục để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu.

 

Cuối cùng là những thách thức về chất lượng nguồn nhân lực hiện nay, kể cả đối với sinh viên vừa tốt nghiệp hiện chưa tìm được việc làm muốn trau dồi thêm tri thức, kỹ năng cần thiết để khởi nghiệp hoặc tham gia thị trường lao động. Ở đây, đòi hỏi các trường ĐH phải có chương trình đào tạo lại đáp ứng yêu cầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.