Sinh viên bỏ học từng là học sinh giỏi, vì sao?

Hà Ánh
Hà Ánh
26/10/2018 17:35 GMT+7

Dù từng là học sinh khá, giỏi nhưng khi bước chân vào giảng đường ĐH, nhiều sinh viên hụt hẫng, tụt dốc và bỏ dở việc học nửa chừng. Một nguyên nhân quan trọng là do thiếu kỹ năng cơ bản của người học.

Nội dung này đã được nêu ra tại hội thảo "Đào tạo kỹ năng mềm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0" do Trường ĐH Tài chính - Marketing và Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM tổ chức sáng nay 26.10.

Sinh viên thờ ơ với kỹ năng mềm

Trong tham luận của mình, bà Hoàng Thị Thoa, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho hay kết quả khảo sát năm 2015 với sinh viên trường này cho thấy có 85% sinh viên thờ ơ, hiểu sai về việc học và rèn luyện kỹ năng mềm. Sinh viên xem đây là môn học phụ, không cần thiết, có hay không cũng không quan trọng. Một bộ phận sinh viên khác lại xem kỹ năng mềm là thứ gì đó rất cao siêu, ngại tiếp cận.


Bà Thoa phân tích: “Ngay khi bước vào giảng đường, rất nhiều sinh viên bỡ ngỡ, không theo kịp chương trình học do thiếu kỹ năng tự học, tự nghiên cứu. Những kỹ năng cơ bản của người học như đọc sách, tìm tài liệu, khai thác thông tin từ internet… các bạn đều không có. Nhiều sinh viên hụt hẫng, tụt dốc và bỏ dở việc học nửa chừng, mặc dù trước đây họ đều là học sinh khá, giỏi”.

Sự yếu kém về kỹ năng mềm thể hiện rõ nhất ở sinh viên chính là tinh thần kỷ luật và ý thức làm chủ bản thân. Hơn 70% sinh viên của trường từ các tỉnh, phải sống xa nhà, thiếu sự kèm cặp, quản lý của gia đình. Những ngày tháng sống xa gia đình với nhiều khó khăn cộng với thiếu kỹ năng mềm và kinh nghiệm sống đã làm cho nhiều sinh viên sa đà vào các tệ nạn xã hội…

“Trong quá trình học, sinh viên thiếu sự tự giác và tích cực, ý thức kỷ luật kém, thường bỏ học, cúp học. Nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích do trường và các khoa tổ chức nhưng số lượng sinh viên tham gia rất hạn chế. Đa phần sinh viên có đăng ký nhưng không tham gia, các bạn không ý thức được trách nhiệm và tầm quan trọng của các cam kết cá nhân”, bà Thoa nói.

Cũng theo bà Thoa, việc yếu kỹ năng mềm còn ảnh hưởng đến quá trình tìm việc và đi làm. Có những sinh viên thậm chí không xác định được công việc mình muốn làm. Một số sinh viên vượt qua được vòng phỏng vấn nhưng lại không hòa nhập được môi trường làm việc, không có khả năng làm việc nhóm, không có tinh thần cộng tác với đồng nghiệp; không biết lập kế hoạch, sắp xếp công việc, thiếu kinh nghiệm và bản lĩnh trong giao tiếp công sở.

Thuê người viết luận văn có phải kỹ năng mềm?

Phát biểu tại hội thảo, thạc sĩ Nguyễn Đăng Đệ, Trường ĐH Văn Lang, đặt câu hỏi: "Hiện nay tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy việc… đang gây nhiều bức xúc. Nhiều giảng viên thuê người viết bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế, thuê người khác viết luận văn, luận án…, đây có phải là kỹ năng mềm hay không?".

Trả lời câu hỏi này, thạc sĩ Phạm Ngọc Dũng, giảng viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM khẳng định: "Đó là kỹ năng mềm. Điều quan trọng là chủ thể vận dụng kỹ năng đó đem lại cho mình sự thành công và định nghĩa mục đích sống, giá trị sống là gì, thái độ sống ra sao. Đối với hệ thống giáo dục chúng ta sẽ truyền đạt giá trị sống tích cực cho người học, từ đó vận dụng kỹ năng mềm phục vụ cho giá trị sống và mục đích sống tốt đẹp". 

Trong bài báo cáo của mình, thạc sĩ Nguyễn Minh Hiền, giảng viên Trường ĐH Tài chính - Marketing nhấn mạnh đến vai trò của giá trị sống trong mối quan hệ với kỹ năng sống.

Theo thạc sĩ Hiền, giáo dục giá trị sống chính là nền tảng của giáo dục kỹ năng sống. Nếu cá nhân chỉ chú trọng kiến thức, tập trung kỹ năng vào góc độ kỹ thuật hành vi mà không gắn với giá trị sống thì lại trở nên nguy hại, giống như hổ mọc thêm cánh theo nghĩa tiêu cực. Cá nhân giỏi, kỹ năng, kỹ thuật tốt nhưng thiếu nền tảng giá trị lại có thể bất chấp đạo đức.

Những số liệu gây “sốc”
Trong bài tham luận của mình, đại diện nhiều trường đã nêu ra những con số gây “sốc” về kỹ năng mềm của sinh viên.
Tác giả Lê Đức Thọ, Trường CĐ Nghề Đà Nẵng, cũng nêu lên số liệu khảo sát vào tháng 5.2014 cho thấy các doanh nghiệp chỉ tuyển dụng được 10% nhân sự so với nhu cầu thực tế tại thành phố này. Sinh viên ra trường nhiều nhưng thất nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ lớn do không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Nguyên nhân chính là do những kỹ năng mà sinh viên được trang bị chưa phù hợp với đòi hỏi của thị trường. Và trong số các nhóm kỹ năng thì kỹ năng mềm là nhóm kỹ năng mà người lao động Việt Nam thiếu hụt nhiều nhất.
Đến từ Trường ĐH Hà Nội, tác giả Nguyễn Thị Thủy cũng cho biết việc nghiên cứu thực trạng hiện nay với sinh viên trường, trung bình có tới 54% sinh viên ở mức độ “chưa tốt” về kỹ năng mềm. Từ thực tế này đặt ra yêu cầu cần có những giải pháp giúp sinh viên được học tập rèn luyện kỹ năng mềm phục vụ cho việc học tập, tự tin khởi nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.