Yêu cầu học sinh không được viết, vẽ vào SGK: Gây khó cho việc dạy và học?

27/09/2018 09:48 GMT+7

Việc Bộ GD-ĐT vừa đưa ra chỉ thị yêu cầu giáo viên, nhà trường không để học sinh viết, vẽ vào sách giáo khoa (SGK) nhằm tái sử dụng cho năm sau… khiến tôi và có lẽ nhiều người khác nữa sẽ rất phân vân về tính hợp lý và bất cập của nó.

Hợp lý vì như thế sẽ tiết kiệm được tài chính, có điều kiện giúp ích cho nhiều học sinh (HS) nghèo, khó khăn. Ở trường tôi vào mỗi đầu năm vẫn có kế hoạch tặng SGK cũ cho HS diện ấy. Nhưng nếu chỉ thị này áp dụng quyết liệt, máy móc, chúng tôi e rằng đó không phải là điều hay, bởi nhiều bất cập mà nó mang lại.

Thời chúng tôi đi học trong những năm thập niên 80 của thế kỷ trước. Lúc ấy, hẳn nhiều người còn nhớ, SGK rất hiếm, giấy đen, bìa nát, thiếu trang vì HS chuyền tay nhau sử dụng nhiều năm. Mỗi đầu năm học, chúng tôi được giáo viên chủ nhiệm cho ký tên để mượn sách, và dĩ nhiên phải có cam kết: không được làm rách; không viết, vẽ vào sách; nếu không sẽ phải đền tiền! Vì vậy, chúng tôi giữ gìn rất kỹ. Và cũng vì vậy, dường như kỹ năng sử dụng SGK của chúng tôi bị hạn chế rất nhiều, hiệu quả không phát huy được hết. Đó là câu chuyện của thế kỷ trước. Còn bây giờ, với nhiều HS, giá mỗi cuốn sách chỉ bằng… một bữa ăn sáng. Như thế, đặt ra vấn đề giữa tiết kiệm nhưng bị gò bó khi sử dụng và tính hiệu quả cho việc học, cái nào cần hơn?
Khi dạy, nhiều giáo viên vẫn coi SGK của HS như một tài liệu học tập và yêu cầu HS sử dụng nó với những kỹ năng thiết yếu. Chẳng hạn, nhiều giáo viên có thói quen khi kiểm tra SGK của HS thường kèm theo yêu cầu: phải có “sự làm việc” của các em vào trong ấy. Ngoài việc vẽ, ghi bậy - điều này dĩ nhiên giáo viên nào cũng khuyến cáo cấm HS, theo quan sát của chúng tôi, những HS có “sự làm việc” tích cực vào sách như gạch chân, ghi chú thêm… đều đạt kết quả tốt hơn những em SGK để trắng.
Hơn nữa, chỉ thị này có phần gây khó cho việc dạy và học. Đơn cử như môn văn lớp 12, nhiều bài học có văn bản rất dài, trong khi thời gian thì quá ít. Nếu giáo viên không buộc HS gạch chân những dẫn chứng tiêu biểu trong sách thì không tài nào ghi ra cho kịp!
Vì vậy, theo chúng tôi, chỉ thị này của Bộ chỉ nên dừng lại ở khuyến khích. Bộ nên chú trọng bàn đến những giải pháp cụ thể như thế nào từ HS, nhà trường, phụ huynh, xã hội để giải bài toán “khát” SGK như thời gian qua. Ví dụ như ở trường tôi, hằng năm nhân viên thư viện đều có đợt phát động HS quyên góp SGK cũ. Và sách ấy tặng miễn phí cho HS khó khăn đầu mỗi năm học như đã nói ở trên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.