Những giọt nước mắt mang nhiều nỗi niềm tâm sự của cả trò và thầy. Một cảm xúc trào dâng trong tôi khi hiểu hơn về hoàn cảnh của học sinh, tình yêu thương của em dành cho mẹ.
Sau khi có kết quả bài kiểm tra học kỳ, tôi gọi từng trò lên bàn giáo viên chỉ rõ từng lỗi sai và cho biết điểm cụ thể. Khi biết điểm của mình, khuôn mặt T. biểu cảm rõ rệt. Nét buồn hiện rõ trên khuôn mặt. Em bước về chỗ ngồi và úp mặt xuống bàn, nước mắt chảy dài.
Giờ ra chơi, tâm sự cùng T., tôi biết hoàn cảnh của em, gia đình em nhiều hơn. Em là con một. Ba và mẹ chia tay nhau khi em còn nhỏ. Mẹ kinh doanh tự do, vất vả để nuôi con và gửi T. học nội trú. Em buồn vì sợ kết quả không được loại giỏi vì danh hiệu này chính là món quà dành cho mẹ. Với tôi, xếp loại giỏi hay khá không phải là vấn đề quan trọng, quan trọng nhất là học hiểu, học thật, kiến thức thực sự và nhiều yếu tố khác trong đời sống hằng ngày. Thế nhưng trong hoàn cảnh này, kết quả loại giỏi mà T. mong muốn lại rất ý nghĩa, bởi đó là món quà không phải vì bệnh thành tích mà mang ý nghĩa sâu sắc khác.
Tôi động viên T. cố gắng hơn ở học kỳ 2 với các “yếu tố” ngoan hơn, chăm học hơn và nghiêm túc hơn trong giờ học. Em đã hiểu hơn điều tôi chia sẻ và có phần tiến bộ hơn trong vài ngày qua.
Nước mắt cậu học trò đã nhắc nhở người thầy cần quan tâm học trò hơn nữa, “đánh thức” người thầy trong tôi rằng: “Người thầy giỏi không chỉ dạy học sinh bằng những câu chữ có sẵn (kiến thức) mà dạy bằng cả tâm hồn mình”.
Bình luận (0)