Những cách làm bài kiểm tra học kỳ theo quy định mới

Bích Thanh
Bích Thanh
14/10/2020 08:43 GMT+7

Bài kiểm tra học kỳ 1 không chỉ là học sinh ngồi trong phòng học, hoàn thành các câu hỏi kiểm tra kiến thức mà có thể thực hiện dự án học tập ngoài nhà trường hay trả lời câu hỏi trên ứng dụng công nghệ.

Từ ngày 11.10, Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh (HS) THCS, THPT có hiệu lực. Các trường học đã có những chuyển biến như thế nào trong việc thay đổi đánh giá HS?
Trong quá trình xây dựng phương thức kiểm tra, đánh giá, nhiều giáo viên cho rằng thiết kế hình thức bài kiểm tra sao cho hài hòa yêu cầu của đổi mới kiểm tra đánh giá, đổi mới phương pháp giáo dục và mục tiêu học tập, định hướng thi cử của HS. Từ đó, giáo viên linh động tổ chức các hình thức phù hợp cho từng khối lớp.

Lấy điểm học kỳ thông qua dự án

Chẳng hạn Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) cho HS khối 10 thực hiện bài kiểm tra liên môn vật lý - lịch sử - địa lý thông qua hoạt động ngoại khóa. Thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Tổ lịch sử, cho biết giáo viên 3 bộ môn này cùng bàn bạc lựa chọn địa điểm ngoại khóa tại Làng gốm ở Bình Dương và Khu du lịch Đại Nam. Ở 2 địa điểm này, HS sẽ tìm hiểu các ứng dụng thực tế liên quan đến nhiệt và chất rắn của môn vật lý, đặc điểm cây trồng và các mô hình di tích lịch sử... Sau đó, HS sẽ hoàn thành các câu hỏi trắc nghiệm với những nội dung liên quan đến đến lý thuyết và bài học ứng dụng thu nhận trong chuyến đi.
Còn HS khối 11 và 12 thì thực hiện dự án học tập mang tên Sài Gòn by bus để lấy điểm kiểm tra định kỳ học kỳ 1. Theo đó, HS sẽ được sử dụng các phương tiện công cộng xe buýt thường, xe buýt sông và xe buýt du lịch (bus hop on hop off) khám phá các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, cuộc sống của người TP.HCM. Tùy vào điều kiện, năng lực và kỹ năng, HS sẽ thực hiện các đoạn phim ngắn không quá 3 phút ghi lại quá trình trải nghiệm tham quan và nêu cảm nhận cá nhân. HS cũng có thể thực hiện các poster giới thiệu các điểm di tích lịch sử, làm bản đồ tham quan... Việc thực hiện dự án này sẽ giúp HS rèn kỹ năng làm việc nhóm, tổ chức sắp xếp công việc, sử dụng phương tiện công cộng...
Tương tự, thạc sĩ Phạm Lê Thanh, Trường THPT Tân Phú (Q.Tân Phú, TP.HCM), cho biết nhà trường đã xây dựng kế hoạch kiểm tra môn hóa học dành cho HS khối 10. Các em sẽ thực hiện 2 dự án: Làm xe chạy bằng động cơ từ phản ứng hóa học giữa các hóa chất thân thiện môi trường, có trong đời sống hằng ngày như baking soda và giấm ăn. Thiết kế bảng tuần hoàn thông minh, qua đó thể hiện khả năng hiểu biết về nguyên tắc sắp xếp của các nguyên tố hóa học, quy luật biến thiên...

Đa dạng các hình thức kiểm tra đánh giá

Riêng HS lớp 12 có định hướng chọn bài thi khoa học xã hội cho kỳ thi tốt nghiệp THPT thì thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du cho biết sẽ thực hiện bài kiểm tra lịch sử trên ứng dụng Google Form bằng các câu hỏi trắc nghiệm để củng cố kiến thức chuẩn bị cho các kỳ thi.
Tương tự, ông Trần Minh, Hiệu phó Trường THCS Đào Duy Anh (Q.6, TP.HCM), cho hay các tổ chuyên môn đã xây dựng kế hoạch thực hiện đa dạng các hình thức kiểm tra đánh giá HS. Chẳng hạn ở một số môn xã hội, HS làm bài thuyết trình nhóm bằng powerpoint, sơ đồ tư duy, đóng vai kể chuyện, tranh ảnh... Bên cạnh đó, nhà trường lập kế hoạch cho HS học tập trải nghiệm thực tế, sau đó sẽ nộp bài thu hoạch qua nhiều hình thức như bài viết minh họa hình ảnh, thuyết trình, video hoặc bằng sản phẩm thực tế.
Không chỉ tổ chức cho HS thực hiện hình thức kiểm tra duy nhất làm bài trên giấy, bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì (Q.Thủ Đức), cho biết có môn HS làm bài kiểm tra trên máy, có môn làm bài báo cáo thu hoạch sau tiết học ngoài nhà trường hoặc một dự án nghiên cứu khoa học... Bà Thanh Trúc cho hay các hình thức kiểm tra, đánh giá sẽ được nhà trường công khai trên cổng thông tin điện tử và giáo viên chủ nhiệm thông báo đến từng phụ huynh để nắm thông tin về việc kiểm tra đánh giá mới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.