Đề thi có phần dễ hơn nên tỷ lệ chọi cao hơn
Theo đề án tuyển sinh chính thức các trường đã công bố, năm nay chỉ tiêu tuyển sinh dàn trải đều cho nhiều phương thức, trong đó có những trường chỉ tiêu xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 còn tỷ lệ rất nhỏ.
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tuyển sinh tới 5 phương thức, trong đó chỉ dành 20 - 30% chỉ tiêu xét điểm kỳ thi tốt nghiệp (tương đương 1.160 - 1.740 thí sinh (TS) trong tổng 5.800 chỉ tiêu). Trong khi đó, năm 2019 trường này dành tới 70% tổng chỉ tiêu cho việc xét kết quả kỳ thi chung, tương đương 3.500 TS. Như vậy, xét về tỷ lệ chọi, sự cạnh tranh giữa các TS theo phương thức này có thể tăng gấp đôi năm trước đó.
Các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM gần đây cũng giảm dần chỉ tiêu xét kỳ thi chung, thay thế bằng kỳ thi đánh giá năng lực và các phương thức khác. Năm nay, chỉ tiêu một số trường dành cho kỳ thi chung giảm xuống mức thấp nhất từ trước tới nay. Cụ thể, Trường ĐH Khoa học tự nhiên còn 35% tổng chỉ tiêu, Trường ĐH Công nghệ thông tin tối thiểu 25% tổng chỉ tiêu, Trường ĐH Bách khoa tối thiểu 30% chỉ tiêu...
Trong 4.100 chỉ tiêu của Trường ĐH Mở TP.HCM, có tới 70% chỉ tiêu xét tuyển học bạ, 30% chỉ tiêu còn lại dùng để xét điểm thi tốt nghiệp và xét điểm bài thi tú tài quốc tế. Đại diện trường này cho biết chỉ tiêu xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT vào trường năm nay ít nên dự kiến sẽ có sự cạnh tranh rất cao.
Tiến sĩ Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nha Trang, cũng cho rằng năm nay sự cạnh tranh giữa các TS trong phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ cao hơn. Tiến sĩ Phương cho biết điều này sẽ thể hiện bằng điểm trúng tuyển có thể cao hơn do tác động của đề thi có phần dễ hơn các năm trước và cũng do chỉ tiêu ít nên tỷ lệ chọi cao hơn.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng nhìn nhận khả năng TS cạnh tranh gay gắt với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay có thể xảy ra. Điều này được dự đoán dựa trên bối cảnh năm nay số TS đạt điểm cao nhiều hơn khi độ phân hóa đề thi thấp hơn các năm trước. Đặc biệt là do chỉ tiêu các trường ĐH dành cho phương thức này giảm mạnh ở nhiều trường, nếu các phương thức xét tuyển khác không bị “ảo” thì điểm trúng tuyển bằng phương thức này được dự đoán sẽ rất cao.
Trong khi đó, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng sẽ không có thay đổi nhiều trong sự cạnh tranh của các phương thức. “Sự cạnh tranh luôn gay gắt ở những ngành, trường thu hút nhiều TS quan tâm. Do vậy, không chỉ phương thức xét điểm thi tốt nghiệp, cạnh tranh cũng sẽ luôn cao ở các phương thức khác”, ông Hạ nói.
“Khó lường” ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, TS năm nay sẽ khó khăn ở chỗ khó lường trước được việc xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT có cơ hội trúng tuyển cao như các phương thức khác không. Nhất là trong 3 phương thức tuyển sinh chính, việc xét điểm kỳ thi tốt nghiệp có bất lợi về thời gian khi diễn ra sau cùng (27.9 mới có kết quả). Trong khi đó, phương thức xét học bạ diễn ra nhiều đợt, thời điểm này đã có trường công bố kết quả trúng tuyển. Phương thức xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực cũng được công bố vào đầu tháng 9.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa nhận định: “Như vậy, trừ những TS có điểm rất cao thì mới yên tâm chờ đợi đến đợt xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Ngược lại, TS có khả năng mất đi cơ hội trúng tuyển vào ngành và trường yêu thích nếu chờ đến cuối cùng khi không còn phương thức khác trong khi điểm xét bằng điểm thi cạnh tranh gay gắt”.
Tiến sĩ Nghĩa đưa ra lời khuyên với các TS: “Quan trọng là chọn được ngành học yêu thích, khi đó TS nên cân nhắc phương thức xét tuyển phù hợp với mình”.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ cũng cho rằng quan trọng nhất với TS là lựa chọn được ngành học, trường học yêu thích và chọn phương án an toàn nhất để nộp hồ sơ.
Bình luận (0)