Chương trình mới: Sẽ không có kiến thức đánh đố?

20/01/2018 09:44 GMT+7

Chiều 19.1, Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo công bố dự thảo chương trình của các môn học/hoạt động giáo dục từ cấp tiểu học đến THPT.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình (CT) giáo dục phổ thông mới, cho biết dự thảo CT các môn học sẽ được xin ý kiến góp ý trong 2 tháng kể từ ngày 19.1. Hy vọng khoảng tháng 4.2018, CT các môn học này sẽ được ban hành chính thức. Sau đó mới tiến hành các công việc liên quan tới biên soạn sách giáo khoa (SGK).
Nhiều cách giảm tải
Xung quanh băn khoăn về giảm tải của môn học mới, GS Thuyết cho biết có nhiều cách giảm tải được áp dụng trong CT mới. Thứ nhất là giảm bớt những kiến thức khó, những bài học có tính lắt léo, đánh đố học sinh (HS) chỉ cốt phục vụ cho những cuộc thi. Ví dụ, môn toán sẽ giảm bớt những kiến thức khó và không thiết thực với HS phổ thông như kiến thức về tứ giác nối tiếp ở THCS, số phức ở THPT.
Tuy nhiên, giảm tải không có nghĩa là bớt kiến thức một cách cơ học mà quan trọng là tổ chức lại nội dung. Môn lịch sử có thể là một điển hình trong cách thức giảm tải này. Ví dụ trước đây môn học này ở cấp học nào cũng dạy theo kiểu đồng tâm, rất dài thì sắp tới sẽ tổ chức lại ở từng cấp học. Tiểu học dạy học thông qua các câu chuyện lịch sử, THCS dạy thông sử, THPT dạy theo chủ đề xuyên suốt. Hoặc việc tích hợp các môn học có liên quan cũng là một hình thức giảm tải. Ví dụ, thay vì dạy 3 môn vật lý, hóa học ở THCS như hiện nay thì CT mới tích hợp thành môn khoa học tự nhiên và dạy học theo 4 chủ đề chính.
Cách giảm tải nữa không kém phần quan trọng, theo GS Thuyết, là phương pháp giáo dục của người thầy. Thay vì dạy nhồi nhét kiến thức, chủ yếu là đọc chép thì CT mới yêu cầu giáo viên (GV) phải cho HS học thực hành, học bằng trải nhiệm thực tế nhiều hơn...
Môn tiếng Anh là ngoại ngữ bắt buộc
Môn tiếng Anh là ngoại ngữ 1 và trở thành môn học bắt buộc trong CT giáo dục phổ thông bắt đầu từ lớp 3 - 12. Nội dung cốt lõi của môn học giúp HS hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và các kiến thức ngôn ngữ. Các kỹ năng giao tiếp và kiến thức ngôn ngữ được xây dựng trên cơ sở các đơn vị năng lực giao tiếp cụ thể, trong các chủ đề và chủ điểm phù hợp với HS phổ thông nhằm giúp HS khi kết thúc cấp tiểu học đạt được năng lực giao tiếp bậc 1, kết thúc bậc THCS đạt bậc 2 và cấp THPT đạt bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho VN.
GS Nguyễn Lộc, Chủ biên CT môn học này, cho hay môn tiếng Anh mới kế thừa rất nhiều kết quả mà Đề án ngoại ngữ 2020 đạt được trong suốt quá trình thí điểm thời gian vừa qua. CT mới vẫn giữ số tiết/tuần theo quy định của đề án 2020, cụ thể tiểu học là 4 tiết/tuần; 3 tiết/tuần với cấp THCS và THPT. "Chúng tôi nhấn mạnh tới tính mở của môn học này để có thể tiếp nhận được nhiều bộ SGK tiếng Anh. Những chủ đề, chủ điểm mà chúng tôi đưa vào môn học chỉ mang tính chất gợi ý, qua đó, các tác giả viết SGK tương lai sẽ lựa chọn và quyết định những nội dung, cách thức phù hợp nhất với môn học này", GS Nguyễn Lộc nói.
Việc đánh giá hoạt động học của HS trong môn tiếng Anh dựa trên yêu cầu cần đạt đối với các kỹ năng giao tiếp ở từng cấp lớp, có tính đến những thay đổi trong mục tiêu từng cấp như cấp tiểu học ưu tiên vào nghe và nói, cấp THCS nhấn mạnh đến phối hợp giữa các kỹ năng và cấp THPT chú trọng đến cân bằng giữa 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.
Tuy nhiên, những người xây dựng CT môn học này cũng cho rằng để môn tiếng Anh thực hiện được thì phải đảm bảo đủ số lượng GV để thực hiện đủ số tiết học theo kế hoạch dạy học ở trường phổ thông. GV phải đạt những yêu cầu theo quy định và có nghiệp vụ sư phạm phù hợp với các cấp học. Đảm bảo điều kiện, môi trường học tập đa dạng, phong phú để HS có thể tham gia vào các hoạt động học tập, sử dụng tiếng Anh có ý nghĩa.
Từ sau năm 2020, sẽ thay đổi cách thi cử?
Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về việc đổi mới thi cử thế nào để đáp ứng yêu cầu của CT mới, tránh hiện tượng thi cử lạc hậu trở thành “hòn đá tảng” trở ngại việc đổi mới CT và phương pháp dạy học như thời gian qua, GS Nguyễn Minh Thuyết thông tin: Theo quyết định của Bộ GD-ĐT thì từ nay đến năm 2020, thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ vẫn giữ ổn định như hiện nay. Từ năm 2020 trở đi, khi chúng ta bắt đầu áp dụng CT giáo dục phổ thông mới thì cách thức thi cử cũng phải thay đổi. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã tuyển chọn một tập thể để nghiên cứu về vấn đề này để có câu trả lời sớm nhất cho Bộ. Qua đấu thầu thì một trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN đã trúng tuyển và nhận nhiệm vụ này với yêu cầu phải báo cáo sớm nhất cho Bộ trưởng về hình thức đổi mới đánh giá, trong đó đặc biệt là hình thức đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH.
PGS-TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên CT môn ngữ văn, cho biết với CT mở cho GV tự chủ, tự chọn, tự sáng tạo là rất cần thiết. Tuy nhiên, điều này sẽ liên quan đến việc sẽ thay đổi thi cử. Đúng là việc đánh giá thi cử sẽ thay đổi nhưng phải căn cứ vào chuẩn CT, yêu cầu cần đạt chứ không căn cứ vào bất kỳ một SGK cụ thể nào. Cho nên người ra đề cần phải căn cứ vào yêu cầu cần đạt của lớp ấy, cấp ấy để ra đề. Chẳng hạn môn văn có nhiều tác phẩm tự chọn, GV có thể thấy tác phẩm này hay, đáp ứng được CT thì đưa vào dạy nhưng khi kiểm tra, người ra đề sẽ căn cứ vào yêu cầu cần đạt để chọn các văn bản mà HS không được học trong SGK.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.