Cơ chế giá dịch vụ giáo dục ĐH: Học phí có ‘leo thang’?

24/11/2017 10:30 GMT+7

Dự thảo sửa đổi bổ sung luật Giáo dục ĐH quy định mức thu học phí sẽ được xác định theo cơ chế giá dịch vụ thay vì Chính phủ quy định khung học phí như hiện tại.

Các chuyên gia cho rằng điều này phù hợp với xu hướng của các nước. Vấn đề đặt ra là phải có cơ chế để các trường không tự đẩy giá lên cao.
Khi học phí không còn là phí
Theo PGS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, dự thảo sửa đổi bổ sung luật Giáo dục ĐH đưa ra định nghĩa mới về học phí. Theo luật hiện hành, học phí được xếp vào phí, còn trong dự thảo xếp vào giá, và việc tính giá dịch vụ sẽ bị chi phối bởi luật Giá. “Tên gọi khoản thu này vẫn là học phí, nhưng không phải phí nữa mà là giá. Giá của dịch vụ giáo dục thì giống như giá các dịch vụ đặc biệt, việc định giá bị chi phối bởi các quy định của nhà nước. Chính phủ quy định cơ chế giá dịch vụ đào tạo đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập”, ông Sơn giải thích.
Bao giờ luật Giáo dục mới sẽ được thực thi?
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết theo nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (dự kiến tháng 5.2018) và thông qua tại kỳ họp thứ 6 (dự kiến tháng 10.2018). Dự kiến Bộ sẽ trình Chính phủ dự án luật Giáo dục cho ý kiến vào tháng 1.2018.
Nếu dự án luật Giáo dục đảm bảo tiến độ nêu trên, tháng 10.2018 sẽ có luật Giáo dục mới. Ngày có hiệu lực của luật sẽ được quy định ngay trong văn bản luật mới, và theo luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành. Tuy nhiên, theo thông lệ, văn bản luật thường có hiệu lực ít nhất sau 6 tháng kể từ ngày Quốc hội thông qua.
Quý Hiên - Tuệ Nguyễn

Tiến sĩ Đồng Xuân Đảm, Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cũng nhận xét: “Với cách định nghĩa mới về học phí, dự thảo sửa đổi, bổ sung luật Giáo dục ĐH đã tiếp cận được xu hướng quốc tế”. Cũng theo ông Đảm, với quan niệm mới này về học phí thì người học chỉ có lợi, vì từ đó các trường bắt buộc phải tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, phải làm sao để sản phẩm của mình đáp ứng được nhu cầu xã hội.
Các trường sẽ cạnh tranh nhau
Trước lo ngại học phí của các trường nhân cơ hội này sẽ “leo thang”, PGS Đào Văn Đông, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải, cho rằng: “Các trường sẽ phải cân nhắc rất kỹ mức thu cho từng loại hình và từng ngành đào tạo. Chắc chắn học phí của các trường sẽ không thể tăng “tự do” được, vì mức học phí bị 2 yếu tố tác động: sức thu hút tuyển sinh sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nếu để mức học phí quá cao; yêu cầu công khai xã hội về thu chi cho dịch vụ đào tạo. Việc thu chi ngày càng minh bạch nên các trường không thể thu vô tội vạ, do đó người học có thể yên tâm”.
PGS Hoàng Minh Sơn cho biết: “Các trường đều phải hoạt động trong sự cạnh tranh bình đẳng. Vì thế, nếu đưa ra mức học phí cao ngất mà chất lượng không tương xứng thì người học không lựa chọn. Do đó nguy cơ có trường định mức học phí không tương xứng mà người học vẫn phải chấp nhận là không có”.
Ông Đảm cũng nhận xét: “Các trường sẽ phải cạnh tranh nhau, bởi khi sinh viên vào trường này sẽ không vào trường khác, nên trường nào cũng buộc phải nâng cao chất lượng, tạo ra sự hấp dẫn riêng, tạo sự khác biệt để thu hút người học. Dĩ nhiên nhà nước phải đóng vai trò chống độc quyền, tránh việc một trường nào đó đưa giá lên quá cao mà người học không còn lựa chọn tốt hơn”.
Vẫn cần hỗ trợ của nhà nước
Tuy nhiên, vẫn có những lo ngại với những trường kỹ thuật công nghệ trước bài toán “tính giá đủ chi phí”.
PGS Đào Văn Đông cho rằng khối kinh tế và xã hội thì chi phí đầu tư cho quá trình đào tạo thường không nhiều bằng khối công nghệ. Khối kỹ thuật, công nghệ đòi hỏi đầu tư cao, lại kém hấp dẫn người học nên thu đủ chi là rất khó.
PGS Đông đề xuất: “Vì vậy, về mặt vĩ mô, nhà nước cần xem xét cân đối để có những hỗ trợ nhất định, cân bằng một cách hài hòa việc phát triển nguồn nhân lực mang tầm quốc gia. Chẳng hạn như Chính phủ cần có cơ chế đặt hàng đào tạo, những ngành nào khó, thu hút khó, mà có nhu cầu nguồn nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội, thì cần có giải pháp hỗ trợ cho người học, hoặc cho các trường”.
Tiến sĩ Đồng Xuân Đảm cũng đồng tình với đề xuất trên và cho biết: “Các ngành kỹ thuật phải đầu tư nhiều vào công nghệ, phòng thí nghiệm, thiết bị… Nếu tính toàn bộ chi phí đó lên sinh viên thì sinh viên không trả nổi. Nên đây là câu chuyện phải có sự hài hòa giữa chính sách của Chính phủ với nhà trường và người học”.
Theo ông Đảm, để giải quyết vấn đề này, nhà nước cần có giải pháp để những người có hoàn cảnh khó khăn có thể tiếp cận dịch vụ ĐH.
Ý kiến
Cần có nhiều học bổng
Xây dựng học phí ĐH theo mức giá dịch vụ đào tạo đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo là việc cần làm. Dù vậy cũng không thể bỏ hoàn toàn sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước với người học, vì thực tế còn những khu vực kinh tế khó khăn. Trên thế giới các trường nổi tiếng thu học phí cao nhưng vẫn dành 10 - 20% chỉ tiêu để cấp học bổng cho sinh viên giỏi có hoàn cảnh khó khăn. Các trường thu học phí cao cần có trách nhiệm với xã hội, trong đó có việc cam kết rõ ràng về chính sách học bổng hỗ trợ người học.
PGS-TS Vũ Đức Lung Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM
Nên thực hiện theo lộ trình
Thay đổi cách tính học phí như dự thảo bổ sung, sửa đổi luật Giáo dục ĐH là hoàn toàn đúng nhưng cần có lộ trình tăng học phí từ từ. Đồng thời với lộ trình tăng học phí là giảm dần sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các trường. Tuy nhiên không thể không có sự hỗ trợ của nhà nước trong một số trường hợp như đào tạo các ngành trọng điểm, ngành nhà nước đặt hàng nhưng khó tuyển sinh hoặc trong xây dựng các phòng thực hành, thí nghiệm trọng điểm quốc gia…
PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM
Hà Ánh (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.