Mức học phí sẽ được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục đại học

22/11/2017 09:31 GMT+7

Theo dự thảo bổ sung, sửa đổi luật Giáo dục đại học, mức thu học phí sẽ được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục đại học, thay vì Chính phủ quy định khung học phí như hiện tại.

Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa công bố dự thảo bổ sung, sửa đổi luật Giáo dục đại học để lấy ý kiến góp ý của người dân, với hy vọng kịp trình Chính phủ vào cuối tháng 1.2018.
Dự thảo gồm 10 chương, 36 điều được sửa đổi, bổ sung, với nội dung trọng tâm, trọng điểm sửa đổi những điểm vướng mắc nhất trong thực hiện tự chủ đại học và nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đảm bảo tính tổng thể các điều của luật. Dự thảo có những nội dung giải quyết vấn đề “nút thắt” trong thực hiện đổi mới giáo dục đại học, nhằm triển khai hiệu quả tự chủ đại học và huy động được các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển giáo dục đại học. Trong đó, vấn đề tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học được xem là một trong số các “nút thắt”.
Đáng chú ý, theo dự thảo, quy định về học phí của cơ sở giáo dục đại học sẽ chuyển sang quy định về giá dịch vụ đào tạo để phù hợp với luật Giá và luật Phí và lệ phí. Cơ sở giáo dục đại học được quyền chủ động xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo theo quy định của Chính phủ về giá dịch vụ đào tạo, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo. Giá dịch vụ đào tạo phải được công bố công khai cho từng năm học, khóa học cùng với thông báo tuyển sinh.
Cụ thể, điều 65 trong luật hiện hành là cơ sở để quy định học phí, lệ phí tuyển sinh thì giờ quy định các khoản thu từ dịch vụ đào tạo. Theo đó,  dự thảo quy định các khoản thu từ dịch vụ đào tạo (giá dịch vụ đào tạo) gồm học phí, khoản thu dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu khác. Trong đó, học phí là khoản tiền mà người học phải trả cho cơ sở giáo dục đại học để nhận được dịch vụ đào tạo, mức thu học phí được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục đại học; khoản thu dịch vụ tuyển sinh là khoản tiền mà người dự tuyển phải trả cho cơ sở giáo dục đại học để được tham gia xét tuyển, thi tuyển sinh; các khoản thu từ dịch vụ đào tạo khác theo quy định của pháp luật. Chính phủ quy định cơ chế giá dịch vụ đào tạo đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập.

tin liên quan

'Chóng mặt' với học phí đại học
Nếu trước đây học phí các trường ĐH công lập chỉ thu theo một mức trần quy định, thì nay trong hệ thống này cũng có nhiều mức khác nhau. Có những chương trình học phí cao gấp nhiều lần đại trà.
Cơ sở giáo dục đại học được quyền chủ động xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo theo quy định của pháp luật, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo. Giá dịch vụ đào tạo phải được công bố công khai cho từng năm học, khóa học cùng với thông báo tuyển sinh.
Trong khi đó, theo luật hiện hành, học phí chỉ là khoản mà người học nộp cho cơ sở giáo dục đại học để bù đắp chi phí đào tạo. Chính phủ quy định nội dung, phương pháp xây dựng mức học phí, lệ phí tuyển sinh, khung học phí, lệ phí tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập.
Cơ sở giáo dục đại học công lập tuy được quyền chủ động xây dựng và quyết định mức thu học phí, lệ phí tuyển sinh nhưng phải dựa vào khung học phí, lệ phí tuyển sinh do Chính phủ quy định. Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo phải có trách nhiệm quản lý, giám sát mức thu học phí tương xứng với chất lượng đào tạo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.