Có công khai danh tính người mua bằng của Trường ĐH Đông Đô ?

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
19/12/2020 08:06 GMT+7

Vụ án 'giả mạo trong công tác' tại Trường ĐH Đông Đô đang diễn ra khiến dư luận đặt vấn đề: Có nên công khai danh tính những người mua bằng của Trường ĐH Đông Đô?

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa ra quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ án “giả mạo trong công tác” xảy ra tại Trường ĐH Đông Đô sau hơn 1 tháng nhận được kết luận điều tra vụ án từ Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an.

Phải công khai để răn đe

Theo GS Trương Nguyện Thành (ĐH Utah, Mỹ), ở Mỹ, mua bán bằng cấp là tội hình sự. “Tôi ủng hộ việc công khai danh tính những người mua bằng của Trường ĐH Đông Đô để chuyện này không thể xảy ra trong tương lai nữa”, GS Trương Nguyện Thành cho biết.
Một thành viên của Hội đồng quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực cho biết ở Mỹ cũng xảy ra một số chuyện liên quan đến bằng cấp. Tuy nhiên, việc mua bằng như vụ án ở Trường ĐH Đông Đô thì khá hiếm hoi. Lý do là ngay ở Mỹ, các trường đào tạo không chất lượng cấp bằng tốt nghiệp chiếm khoảng 1 - 2% tổng số trường ĐH. Đơn vị sử dụng lao động thường không thuê những người có bằng cấp này vì các công ty, tổ chức biết họ học ở đâu và có khả năng kiểm tra thông tin. Việc công khai tên tuổi người học vi phạm dạng này rất ít xảy ra nếu người vi phạm không gây thiệt hại cho công ty, tổ chức. Ngoại trừ người liên quan bị kiện thì danh tính mới bị công khai.
Tuy nhiên, xét trong trường hợp những người mua bằng của Trường ĐH Đông Đô, vị tiến sĩ này cho rằng nên công khai danh tính vì họ có khả năng gây thiệt hại cho nhà nước. Để bảo vệ uy tín, danh dự của nhà nước, buộc phải xử lý nghiêm.
Theo tiến sĩ Vũ Thế Dũng, sáng lập và điều hành Thinking School, đầu tiên cần xác định việc mua bán bằng cấp như vậy có vi phạm pháp luật, tội hình sự - dân sự hay chỉ ở mức độ xử lý hành chính? Nếu là vi phạm pháp luật, việc công khai danh tính cũng cần được xem xét.
“Công khai danh tính trong thời điểm này có thể cần thiết. Nếu vấn nạn rất lớn của quốc gia hiện nay đang là chuyện mua bán bằng, thăng quan tiến chức bằng bằng giả… thì công bố danh tính người mua bằng cũng là một trong những giải pháp nên được cân nhắc”, tiến sĩ Vũ Thế Dũng chia sẻ.
Cũng theo tiến sĩ Dũng, nếu không công khai danh tính người mua bằng, có thể dẫn đến một vấn đề không hay khác. Đó là trong tương lai sẽ có nhiều trường hợp tương tự xảy ra vì người ta thấy vi phạm cũng không xảy ra việc gì mà chỉ bị thông báo đến cơ quan và mất chức. “Những người mua bằng này làm trong nhà nước, là người đại diện để phục vụ nhân dân mà vi phạm như vậy là rất nặng về tính liêm chính”, ông Dũng nhấn mạnh.

Những người mua bằng này làm trong nhà nước, là người đại diện để phục vụ nhân dân mà vi phạm như vậy là rất nặng về tính liêm chính

Tiến sĩ Vũ Thế Dũng

Tiến sĩ Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục ĐH, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, cho rằng nếu những người này chủ ý “mua bằng” thì công khai danh tính là bình thường. “Cũng cần điều tra kỹ hết các trường hợp trong hơn 600 người này vì nhiều người không làm tiến sĩ nhưng vẫn có thể đăng ký vào những vị trí quan trọng, then chốt của các doanh nghiệp, tổ chức. Ngoài việc tước đi cơ hội của những người xứng đáng hơn, họ còn gây thiệt hại cho nền kinh tế, xã hội khi được gọi là chuyên gia hay lao động trình độ cao”.
Tương tự, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cũng cho rằng cần công khai danh tính những người này. Lý do là vì chương trình đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ đều yêu cầu tiếng Anh là đầu ra bắt buộc. Nếu lấy bằng cử nhân tiếng Anh “ma” thì những người chưa đạt chuẩn đầu ra, cần thu hồi luôn bằng tiến sĩ. Rất nhiều quan chức hiện nay “dính” đến chuyện tương tự. Cần công khai để răn đe sau này không để người cơ hội dùng bằng cấp “leo cao, trèo sâu” nữa.

Nên xem xét cả tính nhân bản ?

Theo viện trưởng một học viện về giáo dục tại TP.HCM, có 3 góc độ cần suy xét là pháp luật, đạo lý và tính nhân bản. “Đầu tiên cần xem xét quy định của pháp luật đối với việc này như thế nào thì phải thực hiện như vậy. Tuy nhiên, cũng cần phải xem xét thêm về đạo lý trong việc trừng phạt những người mua bằng này như thế nào. Bởi vì trong cuộc đời đôi khi đưa một người phạm sai lầm vào tù thì người đó không “tàn đời”, nhưng nếu danh tính bị đưa ra công khai có thể khiến họ “tàn đời’’, người này cho biết.
Vị viện trưởng này cũng cho biết đối với quan điểm của một số nước trên thế giới là trừng phạt kẻ bán bằng hoặc kẻ môi giới. Quyết định công khai danh tính cần có sự cân nhắc thận trọng.
“Tôi rất ghét những sự gian dối trong học thuật, mà ở đây lại là chuyện mua bán bằng, gian dối cao nhất. Việc xử lý thật nghiêm khắc người bán bằng là chuyện cần thiết phải thực hiện. Tuy nhiên, trừng phạt người mua bằng ra sao là chuyện đáng để cân nhắc kỹ lưỡng. Sẽ có cách trừng phạt hợp tình hợp lý mà không đưa một người hoàn toàn đến ngõ cụt của cuộc đời”, vị này cho biết.
Đề nghị xử lý trách nhiệm công chức khi sử dụng bằng giả
Viện Kiểm sát nhân dân (VKS) tối cao quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ án “giả mạo trong công tác” xảy ra tại Trường ĐH Đông Đô. Đáng chú ý, VKS tối cao cho rằng theo danh sách thu được tại Trường ĐH Đông Đô, có 626 trường hợp được cấp văn bằng 2 tiếng Anh, trong đó mới làm rõ 193 trường hợp không qua đào tạo. Kết luận điều tra mới chỉ nêu chung số liệu các trường hợp được cấp bằng không qua đào tạo mà chưa rõ danh sách cụ thể. Bởi vậy, VKS tối cao thấy cần xác định cụ thể người nhận bằng và trách nhiệm từng bị can với các trường hợp này.
Đối với 60 trường hợp sử dụng bằng giả, cơ quan điều tra mới xác định 25 người (22 người rút hồ sơ dừng chương trình học, 3 trường hợp xin thôi học thạc sĩ, rút kết quả thi nâng ngạch thanh tra viên), do đó VKS tối cao yêu cầu xác định 35 trường hợp còn lại đã sử dụng bằng giả vào việc gì. VKS tối cao đề nghị xử lý trách nhiệm đảng viên, công chức khi sử dụng bằng giả. Các đơn vị thực hiện và thông báo kết quả trước khi kết thúc điều tra bổ sung.
Yêu cầu làm rõ số cá nhân được Trường ĐH Đông Đô cấp, sử dụng văn bằng giả
Ngày 14.12, Văn phòng Chính phủ có văn bản về việc cấp và sử dụng bằng giả tại Trường ĐH Đông Đô. Theo đó, văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan chỉ đạo đơn vị chức năng khẩn trương truy bắt đối tượng Trần Khắc Hùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Đông Đô; xác minh, làm rõ những sai phạm liên quan của các đơn vị, cá nhân thuộc Bộ GD-ĐT trong vụ án “giả mạo trong công tác” xảy ra tại Trường ĐH Đông Đô, nếu có dấu hiệu của tội phạm phải khởi tố điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm. Thủ tướng cũng yêu cầu mở rộng điều tra vụ án, tiếp tục làm rõ số cá nhân được Trường ĐH Đông Đô cấp, sử dụng văn bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh giả và các văn bằng, chứng chỉ khác (nếu có) không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc chưa đủ điều kiện cấp bằng để thu hồi và kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét xử lý nghiêm vi phạm theo quy định pháp luật. Cần báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong quý 1/2021.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.