Chìa khóa thay đổi cuộc sống
|
Câu chuyện của tôi bắt đầu với niềm yêu thích môn tiếng Anh. Giấc mơ trở thành giáo viên môn tiếng Anh của tôi được nuôi dưỡng ban đầu bởi gia đình. Trời nắng 39 độ C, bố đạp xe 60 km chỉ để mua cuốn từ điển cho con gái. Và bố cũng nhấn mạnh với tôi rằng: giáo dục là chìa khóa để thay đổi cuộc sống của chúng ta.
Vốn là học sinh (HS) của Trường THPT Đức Hợp (H.Kim Động), sau khi tốt nghiệp Khoa tiếng Anh Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, tôi lại được trở về trường cũ làm giáo viên (GV) và đặt mục tiêu tìm ra một hướng đi trong đổi mới phương pháp dạy học.
Và rồi cô đã làm gì để bắt tay vào việc đổi mới, sáng tạo mà cô buộc mình phải suy nghĩ nghiêm túc về nó?
Tôi tự hỏi, nếu bản thân tôi áp dụng những nội dung và phương pháp mà thầy cô giáo tôi dạy năm 2002 - 2005 cho năm học 2016, 2017 liệu còn có phù hợp khi mà điều kiện, phương tiện học tập của HS ngày nay đã khác quá nhiều so với thời tôi còn là HS? Tôi bắt đầu tự đổi mới bằng việc hoàn thành khóa học chuẩn GV ngoại ngữ theo đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 của Sở GD-ĐT Hưng Yên. Với mong muốn duy trì khả năng mà mình có được, tôi đã lên mạng, tìm những video học tiếng Anh để tự bồi dưỡng…
Chuyến đi như một giấc mơ
Động lực nào đã giúp cô đến với cộng đồng giáo viên sáng tạo toàn cầu? Cộng đồng này đã đón nhận cô ra sao?
Trong quá trình lên mạng tìm tài liệu dạy tiếng Anh, tôi tình cờ biết đến cộng đồng GV sáng tạo VN và cộng đồng GV sáng tạo Microsoft toàn cầu. Tôi đã tìm hiểu các hoạt đồng trên cộng đồng và biết được cách thức kết nối với HS và GV các nước cùng dạy tiếng Anh.
Tôi biết đến bộ Office 365 miễn phí dành cho giáo dục. Đây như một hệ sinh thái giúp GV và HS có thể tương tác, học tập và giải quyết các vấn đề liên quan đến dự án mọi lúc, mọi nơi.
Cộng đồng GV sáng tạo toàn cầu (MEC) là nơi chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, nâng cấp năng lực và kết nối GV khắp thế giới. Tôi đã tham gia các khóa học, tìm hiểu và ứng dụng các công cụ phục vụ có hiệu quả việc học tập. Đặc biệt là chương trình “Skype in the classroom” (ứng dụng Skype trong lớp học) kết nối với chuyên gia, GV, HS trên toàn thế giới. Tôi có thể lựa chọn những GV dạy các nội dung học tập và lứa tuổi phù hợp với mình để kết nối. Ngoài ra, các anh chị của cộng đồng GV sáng tạo VN luôn cởi mở chia sẻ và giúp đỡ các GV trên cả nước.
tin liên quan
Để được tuyển dụng làm việc xuyên quốc giaTrong tình hình sinh viên tốt nghiệp ra trường vẫn khó khăn trong kiếm việc làm thì nhiều bạn trẻ lại được các tập đoàn quốc tế tuyển dụng làm việc trong môi trường khắt khe và chuyên nghiệp.
Cộng đồng này cũng giúp tôi biết tới Diễn đàn giáo dục toàn cầu, là sự kiện về giáo dục hằng năm do Tập đoàn Microsoft (Mỹ) tổ chức để vinh danh các nhà giáo dục sáng tạo và tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.
Tháng 2.2017 tôi chính thức nhận được lời mời tham dự diễn đàn ở Canada. Sáng kiến giáo dục được tổ chức từ năm 2002 tới nay và tôi vinh dự là 1 trong 15 GV của VN có cơ hội đến với diễn đàn.
Với một cô giáo trẻ ở vùng quê, diễn đàn này có phải là một thử thách lớn đối với cô và cô đã tận dụng cơ hội này ra sao?
Chuyến đi này giống như giấc mơ với một cô giáo dạy tiếng Anh ở vùng nông thôn còn nhiều thiếu thốn về điều kiện cơ sở vật chất như tôi. Diễn đàn giáo dục toàn cầu quy tụ trên 200 chuyên gia đến từ 83 quốc gia và vùng lãnh thổ. Khi được tham dự diễn đàn, tôi có cơ hội tiếp cận những xu thế giáo dục phát triển tiên tiến nhất trên thế giới như ứng dụng nhận diện cảm xúc khuôn mặt, STEM, Minecraft - kích thích sáng tạo cho người học; các kỹ thuật để việc dạy trở nên hiệu quả hơn và cách cá nhân hóa việc học để họ trở thành những công dân toàn cầu. Đồng thời tôi có cơ hội chia sẻ với các chuyên gia về những sáng kiến giáo dục mà mình đã thực hiện và được đánh giá cao tại các hoạt động trong khuôn khổ diễn đàn.
Đem thế giới đến gần hơn với học trò của mình
Rồi cô trở thành người giành giải cao nhất của diễn đàn, cảm xúc lúc đó thế nào?
Vào đêm trao giải, với sự nỗ lực, xuất sắc thực sự của giáo viên VN, chị Nguyễn Thị Liễu (TP.HCM) đoạt giải thuyết trình xuất sắc dành cho MIE Fellow, chị Lê Thanh Hà (Hà Nội) đoạt giải nhất nhóm GV tối ưu hóa việc học. Khi ban tổ chức thông báo hết các giải thì tôi cảm giác khá hụt hẫng, vì trong quá trình thực hiện ý tưởng và các hoạt động của nhóm đều được đánh giá rất cao. Nhưng một phút sau, khi 15 giải được trao, có một thông báo được đưa ra: Vẫn còn giải chung cuộc, giải cao nhất của diễn đàn. Và kết quả là niềm vui sướng như vỡ òa khi tôi được đứng trên bục vinh danh, được cầm lá cờ Tổ quốc, sánh vai với bạn bè năm châu.
Được biết, lãnh đạo Microsoft Canada từng có lời mời cô đến làm tại đất nước này. Tại sao cô vẫn quay về ngôi trường nhỏ bé của mình?
Tôi luôn tâm niệm “ra đi là để trở về”. Mong muốn trở về của tôi chỉ đơn giản là để những đứa trẻ xung quanh mình có điều kiện học tập tốt hơn. Nếu ai cũng bỏ đi tới những nơi có điều kiện tốt hơn trong khi thế giới đang ở nền công nghệ 4.0 với những khái niệm phổ biến như trí tuệ nhân tạo (AI), robot, internet vạn vật (IoT)…, thì những đứa trẻ ở nơi xa xôi sẽ thiệt thòi hơn bạn cùng trang lứa.
GV nên là người kết nối để thế giới gần hơn với những học trò của mình. Trở về từ diễn đàn, tôi tiếp tục áp dụng bộ Office 365 miễn phí cho giáo dục, kết nối lớp học thông qua sử dụng Skype.
Tôi nhận được rất nhiều câu hỏi từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp là, sau này rồi tôi sẽ làm gì? Tôi trả lời mọi người rằng, tôi trở về trường, tiếp tục đi dạy và tiếp tục yêu thương bọn trẻ ở quê hương Hưng Yên của tôi. Điều lớn nhất tôi có được sau diễn đàn là tiếp tục có những hành trình tri thức cùng với các HS, tiếp tục nhìn thấy những nụ cười trên môi các em và thấy các em trưởng thành từng ngày…
Hẳn là sự kết nối với cộng đồng GV, HS ở nước ngoài đã mang đến cho cô và học trò của mình nhiều câu chuyện và trải nghiệm đáng nhớ?
Đúng như vậy, rất nhiều trải nghiệm thú vị. HS của tôi được cùng chia sẻ, thảo luận với những HS đang ngồi cách Trường THPT Đức Hợp nửa vòng trái đất. HS của tôi cũng từng được kết nối với lớp học ở Nhật Bản, Ai Cập, Philippines, và đến với những chuyến đi thực tế ảo đến với các vườn quốc gia của Mỹ - nơi mà chúng tôi chỉ thấy được từ những hình ảnh trên sách giáo khoa.
Ví dụ, ngày 8.3 năm nay, tôi kết nối HS của mình với một vị khách tới từ Nam Phi. Cô ấy đã chia sẻ cho HS của tôi những khó khăn của một phụ nữ khi học tập, làm việc ở Nam Phi, cách mà cô ấy đã vượt qua những trở ngại ấy như thế nào để đến bây giờ đang hoàn thành khóa học thạc sĩ của mình. Tôi tin rằng đó là cách tốt nhất để học trò của mình hiểu về bình đẳng giới. Đó cũng là cách để các em học tiếng Anh hiệu quả hơn, hứng thú hơn…
Làm tăng sáng tạo của học sinh
Từ những trải nghiệm của bản thân, cô nghĩ vai trò GV như thế nào trong những cuộc “cải cách” của giáo dục?
Tôi đã đọc được trên internet chia sẻ của một tiến sĩ tâm lý: Có rất nhiều cách để ném một tờ giấy. Nếu để nguyên tờ giấy và ném đi thì kết quả là tờ giấy có thể bay ngược lại; nếu gấp tờ giấy thành máy bay và ném đi thì tờ giấy sẽ bay xa hơn cách thứ nhất. Và nếu vo tròn tờ giấy thật chặt rồi ném thì kết quả sẽ được xa nhất.
Sau những trải nghiệm mà tôi đã có được, tôi thấy được rằng nếu GV chúng ta biết cách sử dụng công nghệ thông tin như là phương tiện hỗ trợ thì việc học tập của HS sẽ đạt hiệu quả hơn. Hơn thế nữa, dù cuộc cách mạng 4.0 có mang đến nhiều thách thức với những ngành nghề khác, nhưng GV không bao giờ hết quan trọng và không thể thay thế. Mỗi HS có những năng lực học tập khác nhau, và với ứng dụng công nghệ thông tin, không HS nào bị bỏ lại phía sau.
Với tôi, công thức của một GV thành công là bản thân phải yêu nghề, luôn tự học, tự rèn để nâng cao trình độ. Thứ hai, GV có thể hỗ trợ HS của mình một cách tốt nhất để các em khám phá và đạt được tri thức theo cách riêng của từng em. Kế đến, là người biết cách hỗ trợ các GV khác để việc dạy học không chỉ ý nghĩa với bản thân mà có thể làm cho các GV khác cũng dần thay đổi theo hướng tích cực.
Việc dạy học không phải dành cho bản thân GV mà việc dạy ở đây là cách GV tăng tính tò mò, sáng tạo để HS có thể sử dụng bộ não đầy tuyệt vời của các em.
|
Cô giáo Trần Thị Thúy sinh năm 1987 tại xã Đức Hợp (H. Kim Động, Hưng Yên)
Năm 2005: Tốt nghiệp THPT. Năm 2009: Tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội, trở về làm GV của Trường THPT Đức Hợp.
Tháng 8. 2016: giải nhì cuộc thi GV sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin do Bộ GD-ĐT phối hợp với Microsoft tổ chức. Tháng 12.2016: Giấy khen của Giám đốc Sở GD-ĐT Hưng Yên về thành tích xuất sắc tại cuộc thi GV giỏi THPT cấp tỉnh. Tháng 3.2017: Đoạt giải chung cuộc Diễn đàn giáo dục toàn cầu. Tháng 5.2017: Giấy khen của Giám đốc Sở GD-ĐT Hưng Yên về thành tích xuất sắc tại cuộc thi GV sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin và diễn đàn. Tháng 5.2017: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về thành tích xuất sắc tại Diễn đàn giáo dục toàn cầu. Tháng 7.2017: Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên về thành tích xuất sắc tại cuộc thi GV sáng tạo và Diễn đàn giáo dục toàn cầu. Tháng 11.2017: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tôn vinh các nhà giáo tiêu biểu. |
Nhờ cô Thúy, chúng tôi có thêm niềm tin
NGUYỄN KHẮC PHÊ (Giám đốc Sở GD-ĐT Hưng Yên)
Những giờ học đặc biệt…
TRẦN THỊ THU HÀ (HS lớp 12A1, Trường THPT Đức Hợp - Hưng Yên)
Tuệ Nguyễn (ghi)
|
Bình luận (0)