Công bố luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học

11/12/2018 14:23 GMT+7

Giới chuyên môn kỳ vọng luật sửa đổi một số điều của luật Giáo dục đại học vừa được công bố sẽ giải quyết được những nút thắt trong hệ thống để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học.

Sáng nay, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khóa 14, kỳ họp thứ 6 thông qua, trong đó có luật sửa đổi một số điều của luật Giáo dục đại học.
Phân bổ ngân sách theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả
Tại cuộc họp báo, PGS Lê Hải An, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo đã giới thiệu một số điểm mới căn bản của luật. Theo PGS An, luật tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, bảo đảm sự hội nhập quốc tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh
Chính phủ đang chỉ đạo việc xây dựng 2 nghị định hướng dẫn (dự kiến ban hành tháng 5.2019) và rà soát lại các văn bản có liên quan để thực thi luật từ 1.7. 2019.
tế - xã hội của đất nước.
Luật đã mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ đại học trong toàn hệ thống. Trong đó, quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học, trong việc xác định mục tiêu và lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu. Cơ sở đại học tự quyết định và có trách nhiệm giải trình về hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản và hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của mình. Luật thể hiện chủ trương tăng cường tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học nhưng vẫn đảm bảo sự kiểm soát hợp lý chất lượng đào tạo, chú trọng quản lý đối với các ngành liên quan đến sức khỏe, đào tạo giáo viên, an ninh, quốc phòng.
Đặc biệt, với luật sửa đổi, hội đồng trường có thực quyền trong việc quyết định về tổ chức bộ máy, quyết định nhân sự, tiêu chuẩn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tiêu chuẩn giảng viên theo quy định của pháp luật. Hội đồng trường thực hiện chức năng quản trị trường, quyết định định hướng phát triển trường, ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính… Hiệu trưởng thực hiện chức năng quản lý, điều hành hoạt động của trường theo quy định của pháp luật và theo quyết nghị của hội đồng trường… phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đổi mới cơ chế quản lý tài chính, tài sản đảm bảo thông thoáng và hiệu quả, phù hợp với từng loại hình cơ sở giáo dục đại học để tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ. Cơ sở giáo dục đại học có quyền tự chủ xây dựng và quyết định mức học phí, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo và công bố công khai khi tuyển sinh. Nhà nước phân bổ ngân sách và nguồn lực cho giáo dục đại học theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả thông qua chi đầu tư, chi nghiên cứu phát triển, đặt hàng nghiên cứu và đào tạo, học bổng, tín dụng sinh viên và hình thức khác; ưu tiên đầu tư phát triển một số cơ sở giáo dục đại học, ngành đào tạo mang tầm khu vực, quốc tế và cơ sở đào tạo giáo viên chất lượng cao.
Tiệm cận chuẩn mực quốc tế
PGS Lê Hải An cũng cho biết, luật đã quy định rõ hệ thống cơ sở giáo dục đại học gồm đại học và trường đại học, tiệm cận với thông lệ quốc tế, phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam, khắc phục một số vấn đề bất cập nhưng vẫn đảm bảo ổn định hệ thống để phát triển. Luật cũng làm rõ vấn đề sở hữu; tạo sự bình đẳng giữa cơ sở giáo dục đại học công lập và tư thục và thúc đẩy sự phát triển của cơ sở giáo dục đại học tư thục.
Luật cũng thể hiện được tinh thần đổi mới quản lý đào tạo để đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế thông qua việc xây dựng một số khái niệm tương đồng với quốc tế; xây dựng các chuẩn giáo dục đại học như chuẩn chương trình, chuẩn giảng viên, chuẩn cơ sở giáo dục đại học… tạo không gian thống nhất trong toàn hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, phù hợp với xu hướng quốc tế, đảm bảo chất lượng đào tạo, thúc đẩy việc công nhận văn bằng, tín chỉ giữa các trường trong khu vực và trên thế giới.
Căn cứ vào kết quả kiểm định, năng lực của trường và nhu cầu xã hội, các trường có quyền tự chủ mở ngành, tuyển sinh, tổ chức đào tạo và cấp bằng... Hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục được quy định với trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan; quy định về cơ sở kiểm định độc lập và công khai kết quả kiểm định, tỷ lệ việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp để người học và xã hội lựa chọn.
Đổi mới quản lý Nhà nước trong điều kiện tự chủ đại học trong luật thể hiện thông qua các công cụ quản lý như quy hoạch mạng lưới, ban hành chính sách, chiến lược, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học; ban hành hệ thống chuẩn chất lượng, điều kiện đảm bảo chất lượng… để các trường tự chủ thực hiện. Cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm minh bạch thông tin và thực hiện trách nhiệm giải trình theo quy định. Cơ quan quản lý nhà nước quản lý theo pháp luật, quy chuẩn chất lượng; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong giáo dục đại học theo quy định của pháp luật.
Lý giải về sự cần thết của việc sửa đổi luật, PGS Lê Hải An nói: “Luật Giáo dục đại học năm 2012 đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển giáo dục đại học Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong hệ thống giáo dục quốc dân nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Tuy nhiên, sau 5 năm thi hành, luật này đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, trở thành những điểm nghẽn, là nút thắt cần phải giải quyết để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đai học”.
PGS Lê Hải An còn cho biết, thêm, sở dĩ phải sửa luật Giáo dục đại học 2012 là việc cụ thể hoá Hiến pháp 2013 trong giáo dục đại học và đồng bộ với một số luật mới ban hành như luật Giá (2012), luật Ngân sách Nhà nước (2015), luật Đầu tư công (2014), luật Giáo dục nghề nghiệp (2014), luật Phí và lệ phí (2015)... nhằm tạo sự thống nhất trong hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến giáo dục đại học.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.