Theo luật vừa được thông qua, sẽ không có sự phân biệt trong văn bằng của các hình thức đào tạo khác nhau.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng trình bày tại Quốc hội chiều 19.11, dự thảo luật quy định các hình thức bao gồm: chính quy, vừa làm vừa học và học từ xa. Trong đó, chính quy là loại hình đào tạo tập trung toàn thời gian còn vừa học vừa làm và học từ xa là hình thức không tập trung.
“Tất cả các yêu cầu về nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, chuẩn kiến thức kỹ năng, kiểm tra đánh giá, chuẩn đầu ra... của các chương trình đào tạo cho dù được thực hiện theo loại hình nào đều phải đảm bảo chất lượng như nhau. Khác biệt giữa các loại hình đào tạo chỉ là về thời gian đào tạo và kỹ thuật tổ chức, quản lý đào tạo. Bởi vậy, dự thảo luật quy định không phân biệt về giá trị văn bằng do có các hình thức đào tạo khác nhau”, ông Bình giải thích.
Ngoài ra, kết quả học tập tích lũy được trong quá trình đào tạo sẽ được công nhận theo nguyên tắc liên thông, sinh viên không phải học lại phần khối lượng kiến thức đã tích lũy khi chuyển đổi từ hình thức đào tạo này sang hình thức đào tạo khác theo quy chế đào tạo.
Trường đại học được tự chủ mở ngành
Luật vừa được thông qua cũng mở rộng quyền tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học khi đáp ứng các điều kiện như: đã thành lập hội đồng trường; đã được công nhận đạt chuẩn bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp; đã ban hành và thực hiện quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính và có chính sách bảo đảm chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng do nhà nước quy định...
Ngoải ra, các cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ cũng phải công khai điều kiện bảo đảm chất lượng, kết quả kiểm định, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và các thông tin khác theo quy định của pháp luật.
Một điểm đáng chú ý trong dự thảo luật so với trước chính là cho phép các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng đủ điều kiện bảo đảm chất lượng và phù hợp nhu cầu thì được tự mở ngành đào tạo ở tất cả các trình độ của giáo dục đại học, chỉ trừ các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đào tạo giáo viên và an ninh, quốc phòng.
Bên cạnh đó, luật cũng quy định một số chế tài cụ thể để xử lý đối tượng không thực hiện cam kết bảo đảm chất lượng đào tạo.
Cơ sở giáo dục đại học tự chủ mở ngành khi chưa bảo đảm các điều kiện theo quy định sẽ bị đình chỉ hoạt động đào tạo đối với ngành đào tạo đó và không được tự chủ mở ngành đào tạo trong thời hạn 5 năm kể từ khi có kết luận về việc vi phạm của cơ quan có thẩm quyền.
Luật cũng quy định, trước khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải được đánh giá chất lượng; ngay sau khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải được kiểm định.
Chủ tịch hội đồng trường không cần là tiến sĩ
Một trong những điểm mới của luật vừa được thông qua là quy định cụ thể về hội đồng trường nhằm tăng cường tính tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học.
Theo giải trình của ông Phan Thanh Bình, hội đồng trường (trong trường công lập) được giao nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu, có quyền quyết định những vấn đề quan trọng của cơ sở giáo dục đại học như định hướng phát triển trường, quyết định về cơ cấu tổ chức, tham gia quyết định nhân sự chủ chốt trong trường cũng như có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động của nhà trường theo quy định của pháp luật.
Đối với tiêu chuẩn của chủ tịch hội đồng trường, luật quy định, đây phải là người có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín; có kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học, đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ; độ tuổi đảm nhiệm chức vụ.
Chủ tịch hội đồng trường do hội đồng trường bầu trong số các thành viên của hội đồng trường theo nguyên tắc đa số, bỏ phiếu kín và được cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận; trường hợp thành viên bên ngoài trúng cử thì phải trở thành cán bộ cơ hữu của trường; chủ tịch hội đồng trường không kiêm nhiệm các chức vụ quản lý trong trường...
Theo ông Phan Thanh Bình, đây thực chất là chức danh quản trị, đòi hỏi phải có uy tín cả trong và ngoài trường nhưng không nhất thiết phải có học vị tiến sĩ, có uy tín khoa học như đối với hiệu trưởng. Tuy nhiên, để tăng cường tự chủ, luật quy định trao rất nhiều quyền hạn, trách nhiệm cho hội đồng trường. Do vậy, chủ tịch hội đồng trường cần phải làm việc chuyên trách, toàn thời gian để đảm nhiệm thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, chức năng của mình.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2019.
Bình luận (0)