‘Giáo dục đại học phấn đấu đuổi theo giáo dục phổ thông’

17/08/2018 16:05 GMT+7

Trước sự "vắng mặt" của giáo dục ĐH Việt Nam trong top 50 nước hàng đầu, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, các thầy cô ở đại học phải phấn đấu để đuổi theo cho được các em giáo dục phổ thông ở bên dưới.

Phát biểu tại hội thảo giáo dục - chuẩn hóa và hội nhập quốc tế sáng 17.8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, dù giáo dục phổ thông còn nhiều điều chưa hài lòng, nhưng quốc tế vẫn xếp hạng Việt Nam ngang với nhóm các nước phát triển OECD. Trong khi đó, giáo dục ĐH của Việt Nam thì không có mặt trong top 50 nước hàng đầu của 2 đánh giá chính thức.
“Theo một số đánh giá có tính tổng hợp và suy luận, thì giáo dục đại học Việt Nam đứng khoảng thứ 80 thế giới. Trong khi giáo dục phổ thông nói khiêm tốn thì đứng thứ 50. Vì vậy, hệ thống ĐH của Việt Nam phải phấn đấu đuổi theo các em giáo dục phổ thông bên dưới”, ông Đam nói.
Xây công trình phụ cũng phải xin phép
Để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, theo ông Đam, vấn đề quan trọng nhất trong điều kiện Việt Nam hiện nay chính là tự chủ và giải trình.
Phó thủ tướng phân tích, tự chủ ĐH lâu nay vẫn bị hiểu sai. “Tự chủ (autonomy) xuất phát từ việc các trường đại học là nơi có sứ mệnh sáng tạo tri thức, và vì thế phải có quyền mà phương Tây vẫn gọi là tự do học thuật, còn chúng ta thì gọi là tự chủ về chuyên môn. Đây là quyền tự chủ căn bản nhất để trường đại học thực hiện sứ mệnh sáng tạo tri thức. Và để có được quyền ấy, thì trường ĐH phải tự chịu, tự quản về hoạt động, tổ chức và tài chính”, ông Đam nói.
Ông Đam giải thích, tự chủ về tài chính là tự chủ về nguồn thu và nguồn chi. Nguồn thu thì từ nhiều nguồn, từ học phí, hoạt động khoa học công nghệ, sản xuất kinh doanh, kết hợp tác với doanh nghiệp, từ tài trợ của doanh nghiệp và cộng đồng và quan trọng vẫn là ngân sách nhà nước. Theo ông Đam, khi trường ĐH tự chủ không có nghĩa là nhà nước sẽ không cấp ngân sách, mà là dùng ngân sách để đặt hàng đào tạo.
Khi có tự chủ về nguồn thu, các trường được tự chủ về việc chi. Theo phó thủ tướng, hiện nay, nhiều trường có tiền thu từ học phí và các nguồn thu khác ngoài ngân sách nhưng muốn làm gì cũng phải xin phép.
Về vấn đề này, ông Đam cho hay, hiện Chính phủ đang thảo luận việc sửa luật Đầu tư công để nhà nước chỉ quản phần từ ngân sách nhà nước, còn các đơn vị sự nghiệp đã được tự chủ thì sẽ thực hiện theo quy định của các luật khác, chứ không áp dụng theo luật Đầu tư công nữa.
“Anh em hay nói vui rằng, tiền nhà nước chưa cho, thu từ học phí và nguồn thu của trường nhưng muốn làm công trình phụ cũng phải xin phép. Đó là nói vui, nhưng cũng là không vui”, ông Đam nói.
[VIDEO] Sinh viên với câu hỏi "ra trường bạn muốn mức lương bao nhiêu" - Thực hiện: Truyền hình Báo Thanh Niên
3 lực cản, 2 băn khoăn
Tuy nhiên, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, hiện nay quá trình thực hiện tự chủ ĐH tại Việt Nam đang gặp phải lực cản từ 3 phía.
Đầu tiên là cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản các trường ĐH chưa muốn buông quyền của mình, các trường ĐH vẫn muốn tiếp tục cơ chế bao cấp, bình bình như trước, còn người học và xã hội thì coi việc vào ĐH là xong, kiểu gì cũng có bằng.
Ông Đam cũng cho hay, quá trình triển khai tự chủ ĐH hiện nay đang vướng phải 2 băn khoăn lớn.
Thứ nhất là tự chủ phải chăng các trường sẽ thoải mái tăng học phí, làm mất cơ hội tiếp cận giáo dục trình độ cao, chất lượng tốt của con nhà nghèo, đối tượng chính sách?
Thứ hai là giao các trường tự chủ thì một khoản tài sản, đất đai, kể cả trí thức, sẽ được sẽ được giao cho các trường liệu có bị thao túng, bị lãng phí hay bị mất đi hay không?
Phó thủ tướng cho rằng, cả 2 băn khoăn này đều đã được thế giới giải quyết. Theo đó, các trường ĐH phải xây dựng một cơ chế học tập khi tăng học phí để thu được nhiều hơn từ những người có khả năng và mong muốn đóng góp nhiều hơn, chất lượng tốt hơn; đồng thời lập các quỹ học bổng để giúp học sinh là đối tượng chính sách, con nhà nghèo.
Bên cạnh đó, khi các trường tự chủ thì nhà nước vẫn tiếp tục cấp ngân sách qua các đơn đặt hàng đào tạo đối với các ngành nghề xã hội cần, hoặc hỗ trợ các đối tượng chính sách, con nhà nghèo, đối tượng dân tộc ít người…
Còn việc đảm bảo tài sản của nhà nước thì sẽ có hội đồng trường gắn liền với trách nhiệm giải trình một cách công khai và minh bạch.
Theo ông Đam, hiện nay, tự chủ ĐH là một bước chuyển có tính lịch sử và các trường ĐH đều mong muốn luật Giáo dục sửa đổi được ban hành sớm để luật hóa chủ trương này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.