Đăng ký bản quyền 'tiếw Việt' vì sợ bị xuyên tạc

13/01/2018 12:07 GMT+7

Ngày 29.12.2017, Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) đã chính thức cấp bản quyền cho tác phẩm Bài viết về cải tiến chữ quốc ngữ của PGS-TS Bùi Hiền.

Giấy chứng nhận này viết “Cục Bản quyền tác giả chứng nhận tác phẩm Bài viết về cải tiến chữ quốc ngữ, loại hình: tác phẩm viết, tác giả, chủ sở hữu Bùi Hiền đã đăng ký quyền tác giả tại Cục Bản quyền tác giả”.

Có thể nói, đây là tác phẩm về chữ viết cải tiến đầu tiên được chứng nhận bản quyền tác giả.

PGS-TS Bùi Hiền lý giải: “Sở dĩ tôi đăng ký bản quyền tác giả là để chống sự xuyên tạc của một số bạn không đồng tình với công trình này của tôi. Chứ không phải tôi sợ công trình của mình bị ăn cắp nên đi đăng ký. Thực tế sau khi báo chí đưa tin về công trình nghiên cứu này, đã có một số bạn sử dụng chữ của tôi để viết xuyên tạc những câu thơ trong Truyện Kiều, nhưng lại viết sai. Đồng thời họ dùng chính chữ của tôi để chửi bới tôi, và gán ghép những luận điệu nhằm hại tôi. Do đó, tôi phải đăng ký để chữ cải tiến của mình không bị xuyên tạc nhằm vào mục đích xấu”.

Theo PGS Hiền, ông chuyển thể Truyện Kiều là để tự mình trải nghiệm chữ viết cải tiến của mình ở một tác phẩm lớn trước, sau đó gửi tặng bạn bè đọc để nhờ bạn bè góp ý.

“Đây là một tác phẩm có giá trị nghệ thuật của nền văn học Việt Nam nên hầu như không có ai là không biết. Với sự yêu mến những câu thơ lục bát hay, có thể bạn đọc cũng sẽ muốn thử tiếp cận chữ mới này thông qua tác phẩm. Thử đặt trường hợp tôi chuyển thể một truyện ngắn hay bài thơ mà ít người biết, ít người thích, thì sẽ có ít người muốn trải nghiệm hơn”, PGS Hiền lý giải thêm.

Trước khi quyết định sử dụng tác phẩm này, PGS Hiền cho biết mình cũng đã lường hết những ý kiến phản đối. Chắc chắn có nhiều người cho rằng chữ cải tiến sẽ phá vỡ sự uyển chuyển, tinh tế và thẩm mỹ trong từng câu thơ hay và đẹp, nhưng tiến sĩ Hiền khẳng định, chữ viết này hoàn toàn không làm thay đổi gì đến nội dung, tư tưởng của tác phẩm, chỉ là hình thức biểu đạt mới.

“Vì thế những ai cố tình nói tôi làm hỏng tác phẩm kinh điển của Việt Nam, là sai. Tôi chỉ chuyển thể, in ra để thử nghiệm những gì mình đã nghiên cứu trong khuôn khổ một công trình khoa học cá nhân. Nếu được đánh giá là hợp lý để có thể phổ biến, thì lúc đó phải có một quy trình khác do nhà nước quyết định”, PGS Hiền cho hay.

Ông cũng cho biết, sau Truyện Kiều, ông chưa có ý định chuyển thể tác phẩm nào khác vì để thử nghiệm thì chỉ cần một tác phẩm này là đủ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.