Đăng ký biên soạn SGK sau khi có thông tư ban hành chương trình

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
29/09/2018 00:00 GMT+7

Ngày 28.9, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, cho biết Quốc hội cho phép việc thực hiện đổi mới chương trình, SGK đối với đầu cấp tiểu học chậm nhất năm 2020 - 2021.

Hiện nay, Ban biên soạn chương trình phổ thông mới đã hoàn thành công việc. Hội đồng quốc gia cũng đã thẩm định xoay vòng và thông qua. Bước tiếp theo chuyển sang giai đoạn làm thông tư ban hành chương trình. Sau đó sẽ có hướng dẫn biên soạn SGK để các đơn vị, tổ chức, cá nhân đăng ký biên soạn cùng với Bộ. Bước kế tiếp là thông tư lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông theo hướng vì quyền lợi của người học.

Ông Thành cũng cho biết để biên soạn SGK, phải đáp ứng một số tiêu chuẩn về nội dung, phương pháp, cấu trúc, ngôn ngữ. Các tổ chức, cá nhân, tập thể đều được tham gia biên soạn miễn là đáp ứng quy định: có đội ngũ tác giả, có NXB đứng ra tổ chức biên tập, hoàn thiện bản mẫu, tổ chức thực hiện. Sau đó, NXB sẽ đề nghị thẩm định, hoàn thiện bản mẫu được gửi lại (nếu có) và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt thực hiện.
Việc thẩm định SGK cũng gồm nhiều bước. Đơn vị đề nghị tổ chức thẩm định nộp lên đơn đề nghị, bản mẫu SGK gần như hoàn chỉnh, thuyết minh, lý lịch khoa học tác giả, chủ biên ít nhất 15 ngày trước phiên họp. Hội đồng họp theo tiêu chí, đánh giá, xếp loại, sau đó gửi lên Bộ trưởng phê duyệt.
Ông Thành cho biết sau khi Bộ trưởng ký ban hành thông tư chương trình, các tổ chức, cá nhân có thể đăng ký tham gia biên soạn SGK ngay. Cho đến hiện tại chưa có đăng ký chính thức tham gia biên soạn SGK.
“Nhiều người nghĩ các nơi sẽ 'ưu tiên' sử dụng bộ sách do Bộ GD-ĐT chủ trì để 'đẹp lòng'. Phải nói rõ, Bộ chỉ chủ trì, tổ chức biên soạn còn các nhà khoa học am hiểu đứng ra biên soạn. Theo Nghị quyết của Quốc hội nếu để thị trường quyết định, có thể có vài môn không có sách nào. Quy trình biên soạn SGK của Bộ vẫn phải có Hội đồng quốc gia thẩm định, những người đáp ứng quy định, một NXB đứng ra tổ chức biên tập, làm bản thảo, đưa ra thẩm định. Thật ra, tất cả đơn vị, tổ chức, cá nhân nào mà Bộ trưởng phê duyệt biên soạn SGK đều là 'của Bộ'. Về nội dung, kiến thức các SGK làm sao đáp ứng nhu cầu của nhân dân”, ông Thành giải thích.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.