Đạt IELTS từ 6.5 điểm có nên công nhận là học sinh giỏi?

Bích Thanh
Bích Thanh
16/12/2020 14:16 GMT+7

Trước quyết định công nhận học sinh giỏi khi đạt IELTS 6.5 điểm trở lên của Sở GD-ĐT Hà Tĩnh, các giáo viên và chuyên gia bày tỏ quan điểm như thế nào?

Với quyết định đặc cách công nhận học sinh giỏi cấp tỉnh môn tiếng Anh mà không phải dự thi vì đã đạt IELTS từ 6.5 điểm trở lên của Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh, giáo viên và các chuyên gia bày tỏ nhiều ý kiến khác nhau về quyết định này.

Giáo viên Nguyễn Thúy Liên, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), chia sẻ góc nhìn mức độ yêu cầu của đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh tùy thuộc vào mỗi địa phương. Tính riêng TP.HCM, nếu học sinh có chứng chỉ IELTS 6.5 điểm thì “cửa hẹp” ngay từ vòng tham gia cuộc thi chứ chưa tính đến đạt giải để được công nhận danh hiệu.

Bên cạnh đó, giáo viên Thúy Liên nói thêm bài thi IELTS có mẫu bài thi chuẩn cho từng cấp độ, để đạt được mục tiêu thì học sinh cần dành thời gian để ôn luyện. Việc học sinh TP.HCM đạt 6.5 điểm ở bài thi này hiện nay không còn là hiếm. Ngay tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, tính chung toàn trường đã có khoảng 80% học sinh đạt trình độ từ 6.5 trở lên.

Tuy nhiên, giáo viên trường chuyên nói trên nhìn nhận, đó là tính theo mặt bằng chung tại TP.HCM, địa phương có nhiều lợi thế về ngoại ngữ. Còn với các địa phương khác, để khuyến khích học sinh học tiếng Anh trong điều kiện thực tế thì có thể đã có sự tính toán phù hợp.

Hay giáo viên Lê Thanh Tùng, Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM), cũng nói rằng: “Học sinh TP.HCM đạt chứng chỉ IELTS 6.5 điểm nhiều lắm và đạt ngay từ năm lớp 10, lớp 11”.

Không chỉ có vậy, ông Thanh Tùng còn đưa ra so sánh giữa 2 bài thi IELTS và bài thi học sinh giỏi và nói rằng không tương đương với nhau và công nhận thì chưa hợp lý. Theo ông Tùng, bài thi IELTS đánh giá đầy đủ 4 kỹ năng và theo chuẩn quốc tế còn bài thi học sinh giỏi nặng về học thuật, chú trọng bài đọc hiểu, ngữ pháp, điền từ… Và đây là lần đầu tiên thấy một địa phương công nhận hình thức tương đương này với mục đích khuyến khích học sinh.

Đưa ra quan điểm về tính tổng quát trước quyết định của Sở GD-ĐT Hà Tĩnh, ông Cao Huy Thảo, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt Úc (SIC), nói rằng đáng khuyến khích khi sử dụng một chứng chỉ ngoại ngữ có năng lực đánh giá bao quát 4 kỹ năng để công nhận danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh. Bởi bài thi học sinh giỏi thường nặng về ngữ pháp, đọc viết chứ không chú trọng kỹ năng nghe nói. Đồng thời việc công nhận này sẽ làm giảm bớt áp lực về việc tổ chức các kỳ thi…

Tuy vậy, với mức điểm 6.5 trở lên thì ông Thảo cho rằng khá thấp. Và ông Thảo đưa ra ý kiến nên tham khảo khung tham chiếu trình độ ngoại ngữ dành cho học sinh tốt nghiệp THPT, phải cao hơn từ 1 đến 2 bậc trở lên thì mới có thể công nhận là học sinh giỏi.

Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh vừa quyết định đặc cách công nhận cho 70 em học sinh lớp 12 là học sinh giỏi cấp tỉnh môn tiếng Anh năm học 2020 - 2021 mà không phải dự thi, vì đã đạt IELTS từ 6.5 điểm trở lên.
Chiều 15.12, ông Trần Giang Nam, Chuyên viên Phòng giáo dục phổ thông (Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh) xác nhận thông tin trên và cho biết trong số 70 em học sinh vừa được đặc cách công nhận là học sinh giỏi môn tiếng Anh cấp tỉnh năm học 2020 - 2021 thì có 6 em đạt giải nhất (IELTS được 8.0 điểm), 20 em giải nhì (7.5 điểm IELTS) và 44 em giải ba (6.5 - 7.0 điểm IELTS). Trong đó, Trường THPT chuyên Hà Tĩnh có số học sinh được đặc cách thành học sinh giỏi nhiều nhất, với 44 em có điểm IELTS từ 6.5 - 8.0.
Theo ông Nam, năm 2018, HĐND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Nghị quyết số 96 về phát triển giáo dục mầm non và phổ thông đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Theo quy định, điều kiện được đặc cách danh hiệu học sinh giỏi môn tiếng Anh cấp tỉnh thì học sinh phải đạt 5.5 điểm IELTS đối với lớp 9 và 6.5 điểm trở lên đối với lớp 10 đến lớp 12.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.