Dạy tiếng Anh nhưng nói tiếng Việt nhiều hơn

05/02/2015 05:48 GMT+7

Cả giảng viên và sinh viên đều gặp nhiều khó khăn, thậm chí áp lực khi dạy và học chuyên môn bằng tiếng Anh.

Cả giảng viên và sinh viên đều gặp nhiều khó khăn, thậm chí áp lực khi dạy và học chuyên môn bằng tiếng Anh.

Tại buổi tọa đàm giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức sáng 4.2, nhiều đại biểu nêu rất thật thực trạng giảng dạy tiếng Anh tăng cường trong các trường ĐH hiện nay.
Không đăng ký được vào lớp nào nên phải học lớp tiếng Anh !
Từ kinh nghiệm đứng lớp, thạc sĩ Phạm Tố Mai, giảng viên (GV) khoa Kinh tế đối ngoại Trường ĐH Kinh tế - Luật, cho biết: “Thực tế bài giảng dù được thiết kế bằng tiếng Anh nhưng GV phải sử dụng xen kẽ tiếng Anh và tiếng Việt. Khi giảng, GV phải nhìn mặt sinh viên (SV) để điều chỉnh việc dạy tiếng Anh hay tiếng Việt cho phù hợp bởi trình độ tiếng Anh của SV rất chênh lệch”. Cũng theo thạc sĩ Mai, GV được khuyến khích sử dụng tiếng Anh khi thuyết trình nhưng nếu diễn đạt không được lại chuyển qua tiếng Việt. GV cũng khuyến khích SV báo cáo bằng tiếng Anh nhưng chỉ có khoảng trên 30% SV làm việc này. “Bài thi kiểm tra cuối kỳ bắt buộc sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Anh, tuy nhiên chúng tôi chỉ ra đề thi dạng bài trắc nghiệm chứ không dám ra tự luận”, thạc sĩ Mai thừa nhận.

Vấn đề giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh rất khó với GV. Số lượng GV có thể dạy bằng tiếng Anh thực sự không nhiều, có những khoa chỉ đếm trên đầu ngón tay

PGS - TS Nguyễn Hội Nghĩa

Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM
Năm 2014, Trường ĐH Khoa học tự nhiên có 4 lớp giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh theo chương trình đại trà, với sĩ số từ 10 - 25 SV/lớp. Theo tiến sĩ Đinh Bá Tiến, Trưởng bộ môn công nghệ phần mềm, số SV có thể học được bằng tiếng Anh không nhiều. Trong đó có những SV thừa nhận do không đăng ký được vào lớp nào nên đành theo học lớp này, tức việc học tiếng Anh không phải là sự lựa chọn của SV.
Còn tiến sĩ Trương Vũ Thanh, GV Khoa Kỹ thuật hóa học Trường ĐH Bách khoa, chia sẻ: “Với chương trình đại trà, trường xếp giờ học lớp tiếng Anh trước lớp tiếng Việt để nếu SV lớp tiếng Anh cảm thấy “lùng bùng” thì có thể học bổ sung kiến thức ở lớp tiếng Việt”.
Giảng viên đạt chuẩn… đếm trên đầu ngón tay
Theo báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát thực hiện Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 năm 2014 của ĐH Quốc gia TP.HCM, một trong những khó khăn lớn nhất là số lượng GV tiếng Anh không chuyên thấp so với quy mô đào tạo, đại đa số có trình độ tiếng Anh vừa đủ chuẩn C1 và chưa có chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh đúng chuẩn quốc tế.
Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Hội Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, nhìn nhận: “Có thể nói vấn đề giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh rất khó với GV. Số lượng GV có thể dạy bằng tiếng Anh thực sự không cao, có những khoa chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn về chất lượng, GV đạt trình độ C1 đúng nghĩa cũng không nhiều. Ngay cả trong một trường có môi trường tiếng Anh khá tốt vẫn có tình trạng SV đánh giá chưa cao việc giảng dạy bằng tiếng Anh của GV”.
Tiến sĩ Trương Vũ Thanh cho biết tỷ lệ GV có khả năng giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh tại khoa này là 1 GV/130 SV. Tiến sĩ Đinh Bá Tiến cho rằng đây thực sự là con số cực kỳ khủng khiếp. Nếu tính cả số SV ngoài chương trình chính quy thì còn thấp hơn nữa. Tiến sĩ Tiến còn cho rằng việc giảng dạy chương trình tiếng Anh tăng cường chưa có lộ trình nên có những môn học chuyên ngành được đưa vào giảng dạy bằng tiếng Anh quá nặng lý thuyết. “Những môn học như vậy quá nhiều từ ngữ, SV học một hồi thì chẳng hiểu gì cả”, tiến sĩ Tiến nói.
Đồng ý kiến, một giảng viên khoa Hóa Trường ĐH Khoa học tự nhiên cho rằng, điểm yếu của chương trình này là không có lộ trình cụ thể mà chỉ hoàn toàn dựa vào sự nhiệt tình của GV. “Thực tế, chúng tôi phải giảm độ khó đề thi bằng tiếng Anh, nếu vẫn giữ độ khó như tiếng Việt thì SV làm không nổi”, GV này nói.
 
Thí điểm tiếng Anh tăng cường
Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” quy định SV tốt nghiệp phải đạt năng lực ngoại ngữ bậc 3 đối với ĐH, CĐ không chuyên ngữ, bậc 4 đối với CĐ chuyên ngữ và bậc 5 đối với ĐH chuyên ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho VN. Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường phải triển khai hình thức dạy học ngoại ngữ tăng cường (không bắt buộc) để hỗ trợ chương trình chính khóa, nhằm đảm bảo chuẩn đầu ra. Từ năm 2013, ĐH Quốc gia TP.HCM đã áp dụng thí điểm chương trình tiếng Anh tăng cường gồm 2 hợp phần: tiếng Anh tổng quát và giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh. Khi được triển khai đại trà, chương trình này sẽ thay thế hoàn toàn chương trình tiếng Anh cũ được giảng dạy tại các trường ĐH, CĐ trước đó.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.