Để học sinh phát triển năng lực theo cá nhân

22/04/2017 08:36 GMT+7

Tuy có nhiều điểm tiến bộ nhưng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang lấy ý kiến dư luận cũng còn những vấn đề cần bổ sung, sửa đổi nhằm đạt được mục tiêu phát triển toàn diện theo từng cá nhân học sinh.

Nên có 2 năm khám phá ở cấp THCS
Theo sự khám phá của khoa tâm lý giáo dục, khả năng và sở thích của học sinh (HS) thường bắt đầu xuất hiện ở lứa tuổi 12 và 13, tức lớp 8 và 9. Vì vậy, ở giai đoạn này, chương trình giáo dục và nhà trường phải làm sao để phát hiện sự khác biệt nơi HS và HS cũng tự mình có thể khám phá năng lực và sở thích.
Hay nói cách khác, lớp 8 và 9 là hai năm khám phá. Lúc này cần phát triển, rèn luyện năng lực khám phá bản thân và hiểu được người khác cho HS, để đến khi tốt nghiệp THCS có thể xác định được hướng đi tiếp của mình là học lên THPT hay rẽ sang trung cấp nghề, hoặc vừa học nghề vừa học văn hóa.
Muốn vậy, môn công nghệ và hướng nghiệp đóng vai trò quan trọng, cung cấp cho HS về nhiều lĩnh vực khác nhau như: nông - lâm nghiệp; kinh tế gia đình, công kỹ nghệ, doanh thương, thiết kế trang trí... Qua các lĩnh vực công nghệ như trên kết hợp với hướng nghiệp sẽ giúp HS xác định được năng lực và sở thích của mình.
Cần bổ sung một số môn vào nhóm tự chọn
Dự thảo chương trình lần này có 3 môn học bắt buộc xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 gồm toán, ngữ văn và ngoại ngữ 1. Phải khẳng định rằng 3 môn này là 3 công cụ quan trọng giúp HS học tập các môn khác và vận dụng vào cuộc sống.
Tuy nhiên, nếu quy định tất cả HS phải học như nhau đối với 3 môn này là bất hợp lý và trái với quy luật phân hóa, gây ra sự quá tải đối với HS, bởi nhu cầu học toán, văn hay ngoại ngữ là khác nhau đối với từng người. Một HS có năng khiếu về văn học, nghệ thuật không nhất thiết phải học hình học không gian hay toán học cao cấp, mà thay vào đó học các nội dung nâng cao về văn học hay nghệ thuật.

tin liên quan

Dạy để người học có cần câu cơm
GS Đỗ Đức Thái chia sẻ: Điều mà chúng ta phải quan tâm chính là học xong rồi có thể làm được gì cho cuộc đời về sau. Có thể hiểu nôm na rằng chúng ta dạy học để người học có cái cần câu cơm... 
Ngược lại, một HS có năng khiếu về toán thì họ mong muốn có chương trình toán nâng cao. Vì vậy, theo chúng tôi, 3 môn bắt buộc ở THPT gọi là toán cơ bản, ngữ văn cơ bản và ngoại ngữ 1 cơ bản, đồng thời có thêm 3 môn toán nâng cao, ngữ văn nâng cao và ngoại ngữ 1 nâng cao vào nhóm các môn tự chọn. Nói cách khác, cần bổ sung nhiều chuyên đề học tập, hay một số môn vào nhóm môn tự chọn chứ không chỉ có 2 môn tiếng dân tộc và ngoại ngữ 2 như dự thảo.
 
 
Những điểm tiến bộ của dự thảo
Chương trình giáo dục phổ thông mới đã phân định rõ 2 giai đoạn: giáo dục cơ bản (cấp tiểu học và THCS) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT). Đây là xu hướng chung của giáo dục thế giới.
Chương trình đã thể hiện rất rõ mục tiêu hướng đến phát triển toàn diện theo từng cá nhân HS.
Dự thảo thể hiện rất rõ về mục tiêu, nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy và giáo dục, cách thức kiểm tra đánh giá. Chương trình mới đã định ra chân dung của người HS sau khi hoàn thành chương trình. Đáng chú ý, chương trình sẽ tiến tới thực hiện giao cho từng trường chịu trách nhiệm xét tốt nghiệp THPT. Đây là vấn đề mới, phù hợp với xu hướng của các nước có nền giáo dục tiên tiến.
Thêm 2 phẩm chất: “biết sống chung”, “kỷ luật”
Ngoài 6 phẩm chất mà dự thảo đưa ra cho HS, cần bổ sung 2 phẩm chất là “Biết sống chung” và “Kỷ luật”. Hai phẩm chất này kế thừa phẩm chất “Đoàn kết tốt, Kỷ luật tốt” trong 5 điều Bác Hồ dạy mà còn phù hợp với định hướng giáo dục của UNESCO là “Học để chung sống”. Có nghĩa là không chỉ hòa đồng, thích nghi với mọi người mà còn sống chung với thiên nhiên, sống chung với biến đổi khí hậu, sống chung với một thế giới luôn thay đổi.
Về kỷ luật, đó là phẩm chất giúp một người thành công sau này. Kỷ luật là sự kiểm soát và điều tiết bản thân, bao gồm hành động và cách cư xử của HS. Kỷ luật nghĩa là HS biết tự kiểm soát mình và tuân thủ những luật lệ, quy định được đặt ra để làm nền cho sự thành công trong học tập và trong cuộc sống. Kỷ luật tự giác được yêu cầu trong tất cả các hoạt động học tập, rèn luyện ở nhà, ở trường và ở cộng đồng.
Ngoài ra, phần biểu hiện của phẩm chất yêu đất nước, cần bổ sung “Biết quý trọng, tự hào và vun đắp truyền thống gia đình, dòng tộc, làng xóm, quê hương”. Phần phẩm chất Yêu con người, cần bổ sung một mục nữa là “Biết quý trọng sinh mạng bản thân và người khác”, “Có ý thức tìm hiểu và tôn trọng quyền con người”.
Đừng tập trung vào quản lý thi cử
Việc giao cho từng trường xét tốt nghiệp THPT là phù hợp với xu hướng chung và tạo điều kiện cho HS nỗ lực theo quá trình để tích lũy các tín chỉ, chứ không phải tập trung học tập cao độ, căng thẳng ở mỗi kỳ thi. Ví dụ, tỷ lệ tốt nghiệp của một tỉnh như sau: năm 2001 (77,6%), năm 2002 (64,6%), năm 2006 (88,3%), năm 2010 (69%), năm 2013 (99%), năm 2014 (99,3%) và năm 2015 (84,5%). Như vậy, tỷ lệ HS tốt nghiệp biến động theo năm và phụ thuộc rất nhiều vào cách thức tổ chức coi thi và chấm thi, nó không phản ánh được thực chất năng lực HS.
Tuy nhiên, việc xét tốt nghiệp này cần phải khắc phục tư duy là quyền của nhà trường, sẽ dẫn đến việc có thể yêu cầu thấp hơn trong đánh giá để mọi HS có thể vượt qua và tích lũy được chứng chỉ. Vì như, xét tốt nghiệp THCS hiện nay gần như 100% HS đều tốt nghiệp, kể cả những trường còn thiếu nhiều điều kiện về đội ngũ và cơ sở vật chất. Vì vậy, cần đổi mới tư duy và cách thức quản lý chất lượng, phải quản lý đầu vào, quá trình và đầu ra chứ không chỉ tập trung quản lý đầu ra (thi cử) như hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.