Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ tác động nhiều nhất đến bậc THPT

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới đã hoàn thành và dự kiến cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 sẽ công bố rộng rãi để lấy ý kiến góp ý.

Tại cuộc họp báo quý 1 năm 2017 chiều nay (24.3) do Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết: sau một thời gian chuẩn bị, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã hoàn thành và dự kiến cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 sẽ công bố rộng rãi để lấy ý kiến dư luận, trước khi được ban hành chính thức vào tháng 9.2017.
GS Thuyết cho hay, ngày 24.1.2017 đã hoàn thành khung chương trình và chuyển đến hội đồng thẩm định quốc gia. Ngày 24.2 hội đồng thẩm định đã họp đã biểu quyết thông qua với tỷ lệ khá cao: 42% không qua sửa chữa, 58% thông qua nhưng yêu cầu phải có sửa chữa. Sau hơn 1 tháng tập trung làm việc, ngày 14.3 dự thảo lần cuối đã hoàn thành và hiện đang trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo xem xét trước khi công bố. “Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là người trực tiếp phụ trách, chỉ đạo và đồng hành cùng với chúng tôi trong suốt quá trình xây dựng dự thảo chương trình phổ thông tổng thể”, GS Thuyết cho hay.
Trả lời câu hỏi của báo chí, liệu chương trình giáo dục phổ thông mới có kịp thực hiện từ năm 2018 theo Nghị quyết của Quốc hội hay không, GS Nguyễn Minh Thuyết thông tin, nếu tháng 9. 2017, chương trình phổ thông tổng thể được phê duyệt như dự kiến thì vẫn có thể khẳng định là kịp thời gian để đưa vào thực hiện từ năm học 2018 - 2019. Tuy nhiên, điều quan trọng theo GS Thuyết là những điều kiện kèm theo để đảm bảo chất lượng thực hiện chương trình mới phải được đồng bộ.
Theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông, các môn học bắt buộc ở cấp tiểu học gồm: tiếng Việt, toán, tiếng Anh, giáo dục lối sống, cuộc sống quanh ta, tìm hiểu xã hội, tìm hiểu tự nhiên, kỹ thuật và tin học, giáo dục thể chất, nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn là tiếng dân tộc thiểu số.
Ở cấp trung học cơ sở, các môn học bắt buộc gồm: ngữ văn, toán, tiếng Anh, giáo dục công dân, khoa học tự nhiên, tin học, công nghệ và hướng nghiệp, lịch sử và địa lý, giáo dục thể chất, nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn là ngoại ngữ 2.
Thay đổi lớn nhất ở cấp THPT
Thay đổi lớn nhất trong chương trình giáo dục phổ thông mới, theo GS Thuyết là ở cấp THPT. Cấp học này chia thành 2 giai đoạn, ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, lớp 10 bao gồm các môn học bắt buộc là: ngữ văn, toán, tiếng Anh, giáo dục kinh tế và pháp luật, lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học, tin học, thiết kế và công nghệ, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn là ngoại ngữ 2.
Lớp 11 và lớp 12, các môn học chung (bắt buộc) bao gồm: giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Các môn học định hướng nghề nghiệp (tự chọn bắt buộc): ngữ văn, toán, tiếng Anh, giáo dục kinh tế và pháp luật, lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học, khoa học máy tính, tin học ứng dụng, thiết kế và công nghệ, mỹ thuật, âm nhạc. Học sinh tự chọn tối thiểu 5 môn học trong các môn nói trên phù hợp với nguyện vọng của bản thân và điều kiện tổ chức của nhà trường.
Ngoài ra, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cũng đề cập tới định hướng xây dựng các chương trình môn học; định hướng về phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập; điều kiện thực hiện chương trình phổ thông và phát triển chương trình giáo dục phổ thông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.