Để học sinh tỏa sáng ngay từ lớp 10

Bích Thanh
Bích Thanh
03/08/2019 08:25 GMT+7

Để 3 năm THPT đạt kết quả tốt nhất, các giáo viên có kinh nghiệm cho rằng ngay từ khi biết mình trúng tuyển lớp 10, học sinh cần một tâm thế chủ động và những kỹ năng phù hợp.

Khó khăn ở cách học, thái độ hòa nhập

Qua nhiều năm làm công tác chủ nhiệm cũng như tham gia dạy học sinh (HS) lớp 10, thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), chia sẻ HS đầu cấp thường gặp khó khăn ở cách học, thái độ hòa nhập, kỹ năng làm việc nhóm. Trong đó, phổ biến là HS vẫn giữ cách học thuộc lòng, không có khả năng đối thoại với thầy cô, tư duy phản biện thấp. Bên cạnh đó, các em còn thể hiện sự thiếu tự tin khi bước vào môi trường mới, không hòa nhập được vì cái tôi quá lớn…
Còn thầy giáo Lê Minh Tân, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), chỉ thêm rằng một số HS chủ quan, mang tâm lý nghỉ xả hơi, tận hưởng niềm vui chiến thắng vì vừa đậu vào trường mà mình mong muốn nên khi vào học các em có sự ỷ lại, thiếu tập trung. Do vậy dẫn đến tình huống có em ở lớp 9 học rất giỏi nhưng lên lớp 10 bỗng rớt hạng, gây sốc cho cha mẹ. Thế nên giáo viên Minh Tân cho rằng các em cần tập trung, nhập cuộc ngay từ đầu để không bị mất kiến thức và hụt hơi về sau.
Thầy Lê Minh Tân nói thêm, thời gian đầu HS lớp 10 sẽ chưa quen, chưa có kỹ năng học tập chủ động khi không còn hình thức thầy cô chuẩn bị sẵn, cầm tay chỉ việc nữa. Vì vậy, chuẩn bị nhập học, HS nên dành thời gian tìm hiểu về các cách học mới. Kiến thức ở THPT sẽ nhiều và chắc chắn khó hơn nên HS dễ bị ngợp và hoang mang. Vì vậy, nếu có thời gian, HS mới vào lớp 10 nên nói chuyện với các anh chị đi trước hoặc xem sơ qua chương trình học để chủ động, tự tin hơn.
Thầy cô luôn lấy HS làm trung tâm nên những câu hỏi hay các yêu cầu sẽ đặt ra cho cả lớp nhiều hơn. Những HS mạnh dạn trong học tập thường tiến bộ nhanh hơn và cảm thấy giờ học hứng thú hơn
Thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du
Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM

Hãy là một người trưởng thành

Từ thực tế này, thầy Đăng Du tư vấn, trước hết HS cần trang bị tính tự lập bởi bước vào THPT, các thầy cô bắt đầu xem HS như những người trưởng thành nên sẽ có các cách ứng xử như người lớn. Không còn kiểm tra miệng liên tục thường xuyên mà thay thế là các bài tập dự án, kiểm tra bất ngờ đầu giờ nên HS luôn phải có tinh thần tự lập là chính.
Do tăng cường hình thức học theo dự án nên thời gian làm việc nhóm, thuyết trình sẽ ngày càng nhiều và điểm sẽ được tính cho sự đóng góp. Thế nên, thầy Du nhấn mạnh, sự rụt rè nhút nhát sẽ chỉ khiến HS thiệt thòi. Thay vì thế, HS hãy cố gắng tự tin thể hiện chính mình để môi trường THPT là nơi tỏa sáng theo cách riêng của mỗi người. “Thầy cô luôn lấy HS làm trung tâm nên những câu hỏi hay các yêu cầu sẽ đặt ra cho cả lớp nhiều hơn. Những HS mạnh dạn trong học tập thường tiến bộ nhanh hơn và cảm thấy giờ học hứng thú hơn”, thầy Du nhấn mạnh.
Đặc biệt, có giáo viên lưu ý, HS cũng đừng sốc nếu trước đây ở bậc THCS, bài kiểm tra toàn 8 điểm trở lên nhưng nay có thể chỉ nhận kết quả trên trung bình. HS cứ bình tĩnh để làm quen với hình thức học tập mới trong thời gian đầu.
Giúp các em có sự chuẩn bị tâm thế trước sự thay đổi lớn từ cách học và cách dạy, giáo viên Trần Thị Quỳnh Anh, Trường THPT Trưng Vương (Q.1, TP.HCM) cho hay, khi vào THPT là HS đang bước vào giai đoạn trưởng thành và phải tự ý thức cao hơn trong học tập. Bắt đầu có thể nghiêm túc tham gia nghiên cứu khoa học kỹ thuật, với nhiều câu lạc bộ mới mà thời THCS chưa có. Tham gia câu lạc bộ vừa làm cho tinh thần thoải mái hơn, vừa rèn luyện thêm được nhiều kỹ năng và kiến thức rất cần cho cuộc sống sau này.
Thêm vào đó, nhiều giáo viên cho rằng, học trò nên dành thời gian tìm hiểu trang thông tin điện tử, fanpage của ngôi trường mà mình theo học như lịch sử nhà trường, truyền thống học tập, các môn thế mạnh, các câu lạc bộ học tập, đội nhóm kỹ năng... Điều đó sẽ giúp các em biết nhiều hơn về môi trường mà mình sẽ gắn bó, lựa chọn hình thức sinh hoạt phù hợp...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.