Đề tài tiến sĩ về nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách gây 'bão mạng'

03/10/2017 19:44 GMT+7

Sự xuất hiện bức ảnh chụp pa nô một buổi bảo vệ luận án tiến sĩ với tên đề tài "Nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách giai đoạn 2005 - 2015 ở Việt Nam", đã gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội.

Theo nội dung tấm pa nô, sự kiện xảy ra ngày 25.9, là một buổi chấm luận án tiến sĩ cấp viện (Viện văn hóa nghệ thuật Việt Nam - Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch) của nghiên cứu sinh Bùi Quang Tiến. Đề tài được bảo vệ là "Nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách giai đoạn 2005 - 2015 ở Việt Nam". Bức ảnh chụp tấm pa nô đã được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, kèm theo là những lời bình thiếu thiện cảm.
Chẳng hạn, trên một trang tin, tấm ảnh được đính kèm lời bình luận: “Đề tài tiến sĩ đây sao! Thất bại của giáo dục?”. Còn trên facebook của mình, nhà văn N.Q.L nhận xét: “Nghĩ được đề tài "nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách" để làm luận án tiến sĩ, người này không điên thì cũng thuộc loại thiên tài. Và, nghệ thuật chữ đó phải ở trong giai đoạn 2005-2015 có những đặc biệt để có thể viết một luận án tiến sĩ 200 trang A4 thì quả thật hoặc quá điên hoặc quá thiên tài”.

tin liên quan

Dễ như 'sản xuất' luận văn sau đại học
  Nghiên cứu khoa học để lấy học vị giờ đã trở thành 'công nghệ' và công nghệ sản xuất luận văn, luận án đã trở nên chuyên nghiệp khiến những đóng góp về mặt khoa học đang trở thành vấn đề đáng báo động.
Trong một phân tích nghiêm ngắn hơn, nhà khoa học gạo cội trong lĩnh vực công nghệ thông tin Nguyễn Thúc Hải than phiền: “Mình không trách anh chàng nghiên cứu sinh (đã trở thành tiến sĩ) này. Nhưng mình trách, không phải, mình "khâm phục", trước hết là người đứng tên hướng dẫn "khoa học", và sau đó là những vị đã ngồi trong các hội đồng bảo vệ luận án này. Họ thật "dũng cảm" khi coi rẻ các chuẩn mực tối thiểu của đào tạo hàn lâm. Vì thế, mình rất muốn biết danh tính của họ để "biểu dương" trên mạng xã hội”.
Ông Nguyễn Thúc Hải còn cho biết bản thân mình từng là người đã tự dùng máy tính tự thiết kế bìa sách của mình in ở Nhà Xuất bản giáo dục năm 1979. Theo quan sát của ông Hải, các nhà thiết kế bìa sách giai đoạn 2005-2015 cũng chủ yếu dùng các font chữ máy tính có sẵn, ít trường hợp tự vẽ chữ. “Bởi thế thật khó hiểu khi một đề tài tiến sĩ như thế này được chấp nhận”, ông Hải bình luận.
Tuy nhiên, ngay trên facebook của ông Hải, nhiều ý kiến lại bình luận theo chiều hướng ngược lại, vì theo họ, nếu phán xét chất lượng một đề tài tiến sĩ qua cái tên gọi thì có phần vội vàng, đó là chưa kể khái niệm “nghệ thuật chữ” (tiếng Anh là typography) cũng được xem là một thuật ngữ khoa học, từng được là đối tượng nghiên cứu trong nhiều đề tài tiến sĩ ở các nước phương Tây.
Theo bà Kiều Dung (một tiến sĩ kinh tế), không cứ luận văn tiến sĩ là phải làm cái gì đấy to tát hoành tráng. “Mình cảm nhận một đề tài như vậy là hoàn toàn hợp lý và đủ để trở thành một luận văn tiến sĩ đối với ngành lịch sử mỹ thuật. Quan trọng là nội dung như thế nào, có thỏa mãn các nguyên tắc một luận văn tiến sĩ của thế giới không thôi!”, TS Kiều Dung bình luận.
Ông Phùng Hồ Hải, một giáo sư toán, cũng cho rằng nếu căn cứ vào nội dung luận án thì các nhận xét của ông Nguyễn Thúc Hải chưa chính xác. Luận án không nghiên cứu về kiểu chữ mà nghiên cứu bố cục của việc săp xếp các chữ đó trên một trang bìa. Cái này thì tất nhiên công nghệ có thể giúp đỡ nhưng không thể đóng vai trò chủ đạo được, mà chính là cần năng lực nghệ thuật của người thực hiện.
Trả lời bình luận này, ông Nguyễn Thúc Hải cũng thừa nhận những nhận xét bên trên của mình là "chưa chính xác", nhưng ông vẫn giữ các quan điểm cơ bản mà mình dùng để chỉ trích luận án. “Ngay cái giai đoạn 10 năm (2005-2015) đã quá ngắn để nghiên cứu lịch sử kiểu chữ bìa sách Việt Nam, huống hồ nghiên cứu sinh chỉ tập trung vào các sản phẩm của một cuộc thi sách hay, bìa đẹp gì đó. Còn cái gọi là "nghệ thuật chữ" trên số lượng lớn và đa dạng trên các bìa sách khác không được nghiên cứu. Chưa kể chính nghiên cứu sinh cũng thừa nhận vai trò áp đảo của đồ hoạ máy tính trong thiết kết bìa sách trong giai đoạn này. Những phân tích của nghiên cứu sinh đều cảm tính, thiếu cơ sở khoa học và vay mượn. Mình vẫn bảo lưu ý kiến: Đề tài này chỉ tương xứng với luận văn cao học”, ông Hải viết.
Ở một diễn đàn hay bàn về học thuật, ý kiến bênh vực cho tên đề tài cũng khá rõ, khiến cho nhiều thành viên ban đầu có ý chỉ trích, về sau cũng chuyển dần cách nhìn nhận. Thành viên Trung Quang Pham viết: “Tự do học thuật cho phép mọi người làm nghiên cứu (nghiêm túc) về bất kỳ chủ đề nào họ muốn. Nếu có phương pháp luận đúng, có phát hiện mới trong đề tài này thì nó xứng đáng được công bố. Do đó, ta cần phải xem nội dung của đề tài trước thì mới đảm bảo ý kiến khách quan được”.
Thành viên Tony Do, người đầu tiên tung đề tài lên diễn đàn, sau khi đọc luận án (do một thành viên khác cung cấp) cũng nhận xét: “Mình cảm nhận bài nghiên cứu khá thú vị, tuy nhiên, mình vẫn thấy nghiên cứu khá sơ sài khi chỉ dựa trên một số đầu sách nhất định trong cả một thập kỷ”.
Trên facebook của mình, ông Nguyễn Lương Hải Khôi, một nhà phê bình văn học, cũng có bài viết tựa đề: “Tính khoa học của một công trình nghiên cứu không nằm ở tên đề tài mà ở cách xử lý nó”.
Ông Hải Khôi viết:
“Tên đề tài dù lớn và viết về những lý thuyết trừu tượng nhưng nếu viết theo kiểu chú giải lý thuyết đã có, thì sẽ trở thành sách phổ biến kiến thức. Nó chỉ thành công trình có ý nghĩa nếu phát triển một giá trị độc lập với đối tượng, chẳng hạn, viết về lý thuyết đó theo kiểu phát triển một cách nhìn về lịch sử tư tưởng.
Gần đây, những đề tài như “hành vi nịnh trong tiếng Việt” hay “nghệ thuật sắp chữ trên bìa sách” này hay bị dân thiếu hiểu biết về học thuật đem ra dè bỉu.
Nghiên cứu vấn đề nhỏ nhưng nếu có một lượng dữ liệu đủ lớn và nếu nhà nghiên cứu có năng lực thì sẽ thành đóng góp lớn. Mọi thành tựu lý thuyết hàn lâm, vĩ mô, có giá trị, đều cần xuất phát từ những vấn đề nhỏ và có tính nền tảng.
Thế nên, nếu ít nhất chưa đọc tóm tắt kết quả nghiên cứu của họ thì đừng vội cười.
Tất nhiên, có những luận án tiến sĩ mà đề tài thì nhỏ và đồng thời chất lượng có vẻ rất tệ. Chẳng hạn, gần đây anh em giang hồ hay cười cái luận án tiến sĩ về cách dịch câu bị động tiếng Anh sang tiếng Việt. Mình đọc bản tóm tắt kết quả của luận án, thấy kết quả nghiên cứu chỉ giống một cái tiểu luận cuối kỳ của sinh viên”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.