Phát biểu tại hội thảo, tiến sĩ Nguyễn Kim Dung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đề xuất giáo viên bậc THPT cần có bằng thạc sĩ về giáo dục. Theo tiến sĩ Dung đây là điều cần thiết, rất nhiều nước giáo viên bậc mầm non thôi đã là thạc sĩ giáo dục.
tin liên quan
Chương trình giáo dục phổ thông mới giảm số môn học, thời lượng không thay đổi
Tuy nhiên, bà Nguyễn Hoa Mai, Hiệu trưởng Hệ thống Trường dân lập Việt Úc, cho rằng cần có lộ trình để hoàn thành chuẩn trình độ nhà giáo. Trong đó, với đề xuất giáo viên bậc THPT có trình độ thạc sĩ thì nên thực hiện trong tương lai. Còn hiện tại, với số lượng học sinh đông như hiện nay thì cũng khó thực hiện.
Trong khi đó, Luật gia Dương Minh Kiên, Phó chủ tịch thường trực Hội Luật gia quận Gò Vấp, đặt vấn đề về xã hội hóa trong giáo dục.
Theo ông Kiên, nhiều năm nay xã hội hóa giáo dục được đặt ra ở 2 khía cạnh: mời gọi cá nhân, các tổ chức thành lập các cơ sở giáo dục và cha mẹ học sinh đóng góp cho nhà trường. Tuy nhiên thực tế việc mở các trường tư thục và dân lập còn hạn chế.
Chúng ta có thể thấy, ban đầu nhiều trường công lập có khuôn viên rất đẹp nhưng dần dần xây thêm phòng học, giờ ra chơi học sinh phải chơi trong hành lang, lớp học. Trường công lập ngày càng nhiều. Vì vậy, theo ông Kiên, dù kêu gọi đầu tư xã hội hóa rõ ràng thất bại vì không có nhiều trường tư thục hoạt động thành công. Mà không thành công một phần do cách thức vận hành cơ chế xã hội hóa chưa phù hợp. Cái nào tư nhân làm được nên để tư nhân làm.
“Hiện chúng ta đang dành khoảng 20% GDP cho giáo dục nhưng phần lớn dùng trả lương thôi. Trong khi trường công học phí thấp nhưng phụ phí nhiều. Vậy sao không có ưu đãi để khuyến khích cơ sở giáo dục tư thục phát triển?”, ông Kiên nhấn mạnh.
Về vấn đề kiểm định chất lượng, tiến sĩ Nguyễn Kim Dung góp ý điều 109 và 110 có sự mâu thuẫn với nhau. Trong khi điều 109 nêu nguyên tắc kiểm định độc lập và khách quan nhưng điều 110 nói tổ chức kiểm định chất lượng do nhà nước thành lập thì khi đó không thể hiện được tinh thần này.
Còn tiến sĩ Hồ Sĩ Anh, Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng nên có chữ “hoài bão” trong phần triết lý giáo dục của dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi). Sở dĩ do hiện nhiều học sinh học xong không biết làm gì, thi cái gì, học để làm gì.
Ông Trịnh Duy Trọng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (TP.HCM), cho biết ủng hộ việc một chương trình nhưng mỗi môn học có nhiều SGK, trong SGK có yếu tố địa phương phù hợp với từng vùng miền. Điều này sẽ tăng sự chủ động cho mỗi cơ sở giáo dục trong xây dựng chương trình học phù hợp với điều kiện từng trường.
Bình luận (0)