Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM vừa ký quyết định phê duyệt mở ngành đào tạo quản lý công trình độ ĐH của khoa Chính trị-Hành chính trong năm 2021. Như vậy, đây là năm đầu tiên ĐH này tuyển sinh bậc học cho một khoa mới, bên cạnh 7 trường ĐH thành viên và khoa Y.
Theo quyết định này, Khoa Chính trị-Hành chính mở ngành quản lý công, thời điểm đào tạo từ năm 2021. Ngành học này sẽ tuyển sinh theo 6 phương thức. Trong đó, phương thức 1 xét tuyển thẳng tối đa 2% chỉ tiêu. Phương thức 2 ưu tiên xét tuyển theo quy định ĐH Quốc gia TP.HCM tối đa 10% chỉ tiêu. Phương thức 3 xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tối thiểu 33% chỉ tiêu. Phương thức 4 xét tuyển dựa vào kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM tối đa 33% chỉ tiêu. Phương thức 5 xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi quốc tế uy tín tối đa 2% chỉ tiêu. Phương thức 6 xét điểm trung bình học bạ 3 năm THPT kết hợp với bài luận áp dụng tối đa 20% chỉ tiêu.
Về ngưỡng đảm bảo đầu vào, khoa này sẽ nhận hồ sơ thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm nay từ 16 điểm trở lên cho tất cả các tổ hợp gồm: D01, C15, C00, A01. Với kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, điểm tối thiểu nhận hồ sơ xét tuyển từ 600/ trên tổng bài thi 1.200 điểm.
Riêng ở phương thức 2 ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng của ĐH Quốc gia TP.HCM, khoa này xét học sinh của 82 trường chuyên, năng khiếu của các trường đại học thuộc các tỉnh, thành trên toàn quốc; học sinh của 68 trường phổ thông thuộc nhóm 100 trường có điểm trung bình thi THPT cao nhất cả nước trong các năm 2019, 2020, 2021. Các học sinh có hạnh kiểm tốt trong 3 năm THPT và đáp ứng thêm các tiêu chí phụ.
Cụ thể, học sinh của 82 trường chuyên, năng khiếu của các trường ĐH thuộc các tỉnh, thành trên toàn quốc đạt tối thiểu 2 năm học sinh giỏi trong các năm học ở bậc THPT (Lớp 10, 11, 12). Học sinh của 67 trường phổ thông thuộc nhóm 100 trường có điểm trung bình thi THPT cao nhất cả nước trong các năm 2019, 2020, 2021 đạt danh hiệu học sinh giỏi 3 năm ở bậc THPT. Với học sinh của 67 trường phổ thông thuộc nhóm 100 trường có điểm trung bình thi THPT cao nhất cả nước trong các năm 2019, 2020, 2021 đạt danh hiệu học sinh giỏi 2 năm ở bậc THPT và thỏa một trong các điều kiện sau: Là cán bộ Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh từ Bí thư chi đoàn trở lên; Đạt thành tích trong các kỳ thi cấp tỉnh trờ lên như Hội thi Olympic các môn khoa học Mác-Lênin, hội thi Nhà sử học trẻ tuổi, hội thi hùng biện…; Là thành viên đội tuyển của trường hoặc tỉnh thành tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.
Ở phương thức 5 xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi quốc tế uy tín sẽ xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT kết hợp chứng chỉ IELTS, TOEFL iBT hoặc năng lực tiếng Việt. Đối với thí sinh người Việt Nam, học chương trình THPT nước ngoài (đã được nước sở tại cho phép thực hiện, đạt trình độ tương đương trình độ THPT của Việt Nam) ở nước ngoài hoặc ở Việt Nam: Có hạnh kiểm tốt trong các năm học THPT; Điểm trung bình THPT từ 7.0 trở lên (thang điểm 10), 2.5 trở lên (thang điểm 4); Chứng chỉ tiếng Anh tối thiểu: IELTS 5.0, TOEFL iBT 45.
Đối với thí sinh người nước ngoài, học chương trình THPT nước ngoài (đã được nước sở tại cho phép thực hiện, đạt trình độ tương đương trình độ THPT của Việt Nam) ở nước ngoài hoặc ở Việt Nam: Có hạnh kiểm tốt trong các năm học THPT; Điểm trung bình THPT từ 7.0 trở lên (thang điểm 10), 2.5 trở lên (thang điểm 4); Chứng chỉ tiếng Anh tối thiểu: IELTS 5.0, TOEFL iBT 45; Chứng chỉ năng lực tiếng Việt tối thiểu B1.
Khoa Chính trị - Hành chính là đơn vị trực thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM theo Quyết định số 212 năm 2019 dựa trên sự nâng cấp Trung tâm Lý luận chính trị. Khoa Chính trị - Hành chính có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.
ĐH Quốc gia TP.HCM hiện có 7 trường ĐH thành viên gồm: Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, Trường ĐH Quốc tế, Trường ĐH Kinh tế-luật, Trường ĐH Công nghệ thông tin, Trường ĐH An Giang. Bên cạnh đó, ĐH này còn có 2 khoa tuyển sinh bậc ĐH gồm: Khoa Y và Khoa Chính trị-Hành chính.
Bình luận (0)