Điểm 10 môn toán THPT quốc gia: Giỏi thực sự hay đánh lụi?

Bích Thanh
Bích Thanh
09/07/2018 18:16 GMT+7

Đánh lụi hay giỏi thật sự đang là ý kiến tranh luận về việc thí sinh đạt điểm 10 môn toán trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Đề thi môn toán trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua không chỉ là thách thức lớn với 900.000 thí sinh tham dự mà còn gây khó với những chuyên gia về toán học. Do vậy, đến thời điểm này, thông tin 2 thí sinh đạt điểm tuyệt đối khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

[VIDEO] Bên trong khu chấm thi THPT quốc gia: Miệt mài dưới nắng nóng 40 độ

Sở dĩ kết quả môn toán được người dân cả nước nước quan tâm vì kết thúc giờ làm bài môn thi này, đã có những thí sinh bật khóc vì đề thi vừa khó, vừa dài.

 


Còn giáo sư Nguyễn Tiến Dũng đang giảng dạy tại ĐH Toulouse (Pháp), người từng giành huy chương vàng toán quốc tế (IMO) khi mới 15 tuổi, chia sẻ trên trang cá nhân của mình rằng ông cũng không thể hoàn thành 50 câu hỏi của đề thi trong 90 phút. Theo đó, ông kể lại, “khi một người nhờ tôi xem 5 câu trong đề thi toán THPT 2018 mã đề 120 (cụ thể là các câu 38, 44, 45, 48, 49), tôi mất gần một tiếng để giải 4 trong số 5 câu đó”. Riêng câu 45, giáo sư Dũng nói đã phải "khóc thét”, không thể giải nổi trong vòng một giờ tiếp theo.

 

Hay tiến sĩ Trần Nam Dũng, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), người giành huy chương bạc Olympic toán quốc tế năm 1983 cũng bắt tay vào giải 5 câu khó nhất của đề thi. Kết quả, ông chỉ giải được 3 câu trong 30 phút, 1 câu, tiến sĩ Dũng "bó tay" và câu còn lại ông không muốn giải tiếp vì "quá ngán".

[VIDEO] Đã có 2 cháu ngoại vẫn quyết chí thi THPT Quốc gia - Video tư liệu

Thêm vào đó, ông Trần Văn Toàn, Tổ trưởng tổ toán Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM) lo lắng có sự không công bằng, không có tính phân hóa với đề thi năm nay, bởi đề khó, thí sinh giỏi cũng như trung bình, khi không làm được, thì “đánh lụi”.

Và việc 2 thí sinh của TP.HCM và  Phú Thọ đạt điểm tuyệt đối đã có nhiều nhận xét khác nhau. Thạc sĩ ngô Thanh Sơn, Trường THPT Vĩnh Viễn (TP.HCM) nói rằng, dựa trên thống kê về số điểm trên 9 rất ít, ví dụ ở Phú Thọ hiện chỉ có 1 điểm 10 và 26 điểm trên 9, trước tiên phải khẳng định các em học sinh đạt điểm 10 là rất giỏi.

Thạc sĩ Sơn nói thêm, đã cùng giải đề với một nhóm giáo viên trong khoảng 5 giờ mới xong, mà sau đó còn phải điều chỉnh đáp án vài lần. Như vậy có thể dự đoán thí sinh này sẽ không thể hoàn thành hết 50 câu trong 90 phút. Nhiều khả năng em này sẽ làm đúng khoảng 46 đến 47 câu. Sau đó đánh ngẫu nhiên 3 đến 4 câu còn lại và có được đáp án đúng.

Chứng minh cho ý kiến trên, thạc sĩ Sơn cho biết: “Chúng tôi có thống kê vui về việc chọn ngẫu nhiên đáp án của các học sinh mà chúng tôi dạy. Nếu chọn ngẫu nhiên 20 câu thì có em trúng được khoảng 6 đến 7 câu; nếu chọn ngẫu nhiên 15 câu thì có thể trúng khoảng 4 đến 5 câu. Cá biệt, có em chọn 10 câu cuối cùng một đáp án mà không trúng câu nào. Có thể tạm kết luận là các em đạt 10 điểm vừa hay lại vừa hên”.

Bạn đọc Phạm Thiết Hùng (TP.HCM) gửi ý kiến đến Báo Thanh Niên rằng: “Tại sao chúng ta phải nghi ngờ kết quả của thí sinh đạt điểm 10? Tại sao chúng ta phải đặt lại vấn đề chất lượng, trình độ của các giáo sư, tiến sĩ ... toán học? Bổ đề cơ bản mà Giáo sư toán học Ngô Bảo Châu đã chứng minh thành công đã nằm đó trước nhiều nhà toán học lỗi lạc của thế giới. Điểm 10/10 của thí sinh đó chính là bất ngờ và là vẻ đẹp của toán học. Cũng chính vì vậy mà Giáo sư Ngô Bảo Châu mới rực sáng!”...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.