Điểm thi bằng điểm sàn có an toàn?

Hà Ánh
Hà Ánh
20/07/2019 08:35 GMT+7

Nhiều trường ĐH đã công bố điểm sàn (điểm tối thiểu nhận hồ sơ) xét tuyển. Nếu có điểm thi bằng điểm sàn này, thí sinh có cơ hội trúng tuyển?

Câu hỏi này đã được các trường ĐH, CĐ tham dự chương trình tư vấn trực tuyến truyền hình về chủ đề “Điểm sàn và sự lựa chọn của thí sinh” của Báo Thanh Niên giải đáp vào ngày 19.7 tại: thanhnien.vn, Facebook/thanhnien.com và YouTube Thanh Niên.

3 nhóm trường xét tuyển

Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt - Đức, phân tích phổ điểm năm nay cho thấy thí sinh (TS) đạt từ 17 - 18 điểm chiếm đại đa số. Có thể chia các trường thành 3 nhóm theo điểm: nhóm 20 điểm trở lên, nhóm từ 17 đến dưới 20 điểm và nhóm thấp hơn. TS có 17-18 điểm nếu đăng ký nhóm thứ 2 thì khá an toàn. Tuy nhiên trong một trường, cơ hội sẽ khác nhau tùy thuộc từng ngành theo xu hướng lựa chọn người học, có những ngành “nóng” đang nổi lên TS cần lưu ý.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho rằng năm nay phụ huynh và TS phải cân nhắc nhiều hơn khi điều chỉnh nguyện vọng. Bởi lẽ năm nay có nhiều phương án xét tuyển của các trường hơn năm trước và hiện một lượng lớn TS đã trúng tuyển theo các phương thức. Cùng với điểm thi cao hơn, năm nay điểm chuẩn sẽ có biến động lớn.
Tiến sĩ Viên nhìn nhận, theo dõi các trường công bố thì điểm sàn không khác nhiều so với năm ngoái. Vấn đề ở chỗ điểm chuẩn sẽ lệch hơn điểm sàn bao nhiêu, có những trường khi công bố điểm sàn chính là điểm chuẩn. Sự khác biệt điểm chuẩn so với điểm sàn sẽ ở những ngành “nóng”.

Điểm sàn được xác định từ đâu ?

Trước câu hỏi này, tiến sĩ Hà Thúc Viên khẳng định: “Trường ĐH Việt - Đức xác định điểm sàn trên cơ sở TS đạt điểm đó là đạt năng lực tối thiểu để theo học tại trường”.
Theo ông Viên, kinh nghiệm các năm cho thấy TS đạt từ 20 - 21 điểm được xem có năng lực tương tương với TS đạt từ 95 điểm trở lên trong kỳ thi tuyển sinh riêng do Trường ĐH Việt - Đức tổ chức. Năm nay có 4 ngành trường xét từ 20 điểm gồm: tài chính kế toán, quản trị kinh doanh, kiến trúc và tài chính - ngân hàng. Các ngành còn lại từ 21 điểm trở lên. Ngoài ra, TS phải đạt đầu vào tiếng Anh để theo học tại trường.
Còn theo tiến sĩ Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, trường xác định điểm sàn dựa trên phổ điểm thi THPT quốc gia theo các tổ hợp môn. Trên cơ sở điểm trung bình khối thi trường xác định mặt bằng điểm sàn, đưa ra điểm sàn chung 15,5 điểm cho tất cả các ngành.
Trong khi đó, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM đã công bố điểm xét tuyển cho phương thức xét kết quả thi từ 16 - 18 điểm (trừ ngành sức khỏe chờ ngưỡng đảm bảo đầu vào do Bộ công bố). Với phương thức học bạ, ngành dược nhận hồ sơ TS có học lực giỏi lớp 12 và tổng điểm 3 môn theo yêu cầu. Phương thức kết quả thi năng lực nhận hồ sơ từ 625 điểm với tất cả các ngành. Kết quả kỳ thi tuyển sinh riêng do trường tổ chức, trường dự kiến sẽ công bố điểm chuẩn ngành dược 20 điểm, các ngành còn lại 16 điểm.
Thạc sĩ Mai Đức Toàn, Giám đốc Ban Tuyển sinh - truyền thông Trường ĐH Tân Tạo, thông tin trường chỉ xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia với nhóm ngành sức khỏe (y khoa, điều dưỡng và kỹ thuật xét nghiệm y học). Trong đó, ngành y khoa xét học sinh có học lực giỏi lớp 12 và điểm trung bình 3 năm THPT từ 7,0 trở lên. Các ngành còn lại yêu cầu học lực khá lớp 12. Ngoài ra, TS phải vượt qua vòng phỏng vấn từ trường. Các ngành còn lại chỉ xét bằng học bạ THPT, điểm trung bình 3 năm THPT đạt từ 6,0 và đạt yêu cầu phỏng vấn của trường.
Thạc sĩ Hồ Thanh Tình, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, thông tin trường vừa công bố dự kiến điểm sàn của 44 ngành là 15 điểm cho tất cả các ngành (ngoài ngành sức khỏe còn chờ điểm sàn của Bộ). Trường cũng công bố điểm chuẩn đánh giá năng lực do trường tổ chức là 15 điểm, riêng y khoa 24 điểm. Điểm sàn theo phương án dựa vào kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM là 600 điểm (riêng y khoa 850 điểm).

Bao nhiêu điểm sẽ trúng tuyển ?

Giải đáp băn khoăn của TS, tiến sĩ Hà Thúc Viên cho biết nếu đạt 22,5 điểm thì dựa trên kinh nghiệm các năm trước là đủ điểm trúng tuyển vào Trường ĐH Việt - Đức (nếu đủ điều kiện tiếng Anh đầu vào).
Tương tự, thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương cho biết ngành dược học của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM điểm chuẩn thường cao hơn điểm xét tuyển từ 1 - 2 điểm. Do vậy, TS có điểm thi ở mức 24 có cơ hội cao khi nộp hồ sơ vào trường bằng kết quả thi vì dự báo điểm sàn ngành này năm nay có thể nằm ở mức 18 - 19 điểm. Ngành kinh doanh quốc tế nhận hồ sơ 18 điểm theo kết quả thi, nếu TS có 20,45 điểm mà đăng ký ngành này thì có thể yên tâm. Với hình thức xét học bạ, thạc sĩ Phương cho hay, ngành du lịch nhận hồ sơ từ 18 điểm nên TS đạt 20 điểm là có cơ hội. TS đạt 21 điểm xét tuyển ngành điện tử viễn thông cũng có cơ hội cao vì “dư so với sàn tới 3 điểm”.
Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cũng cho biết trường vừa xác định điểm sàn xét tuyển năm nay, từ 14 - 16 điểm tùy ngành. Điểm sàn này tương đương năm ngoái, TS có điểm từ 15 trở lên có thể yên tâm. Với phương thức xét học bạ, trường nhận hồ sơ đợt 1 đến hết ngày 24.7.
Theo thạc sĩ Mai Đức Toàn, ngành ngôn ngữ Anh của Trường ĐH Tân Tạo xét tuyển điểm trung bình học bạ 3 năm THPT từ 6,0 và phỏng vấn. Năm nay trường chỉ có 25 chỉ tiêu ngành này và hiện nay đã có 21 hồ sơ.
Theo thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh - truyền thông Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, điểm sàn xét tuyển trường này từ 16 - 19 điểm tùy ngành. Dự kiến điểm chuẩn sẽ cao hơn điểm sàn từ 1 - 2 điểm. Với phương thức xét học bạ, đợt này nhận hồ sơ đến hết ngày 20.7 với điểm từ 18 trở lên.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải bổ sung thông tin, hiện Bộ GD-ĐT đã công bố tỷ lệ TS vào các khối ngành. Trong đó khối ngành III (du lịch) và khối ngành VII (công nghệ thông tin) có lượng TS đăng ký rất nhiều, TS nên tham khảo chỉ tiêu và tỷ lệ chọi năm 2018. “Chúng ta có thể chọn nhiều nguyện vọng. Nếu cần thiết, nới biên độ nguyện vọng để có thêm cơ hội chọn ngành yêu thích”, ông Hải khuyên.
Trong khi đó tiến sĩ Hà Thúc Viên nhắn nhủ: “TS không nên cố gắng để trúng tuyển ĐH bằng mọi cách mà bỏ qua yếu tố ngành nghề. Vì có thể sẽ gặp hậu quả không tốt do học một ngành không đam mê”.
Sắp công bố điểm sàn khối ngành sức khỏe và sư phạm
Theo kế hoạch, trước ngày 21.7 Bộ GD-ĐT sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) cho các khối ngành khoa học sức khỏe và sư phạm. Sau đó các trường ĐH có khối ngành này sẽ lần lượt công bố điểm sàn xét tuyển. Trên cơ sở này, TS có thể điều chỉnh nguyện vọng từ ngày 22 - 31.7 tại các trường THPT đã đăng ký dự thi.
Trường CĐ không phụ thuộc vào điểm sàn
Thạc sĩ Đường Anh Tân, Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, cho biết thời gian xét tuyển không theo quy định của Bộ GD-ĐT và cũng không cần căn cứ vào điểm thi, TS chỉ cần đỗ tốt nghiệp là đủ điều kiện xét tuyển. Tuy nhiên đặc thù một số ngành, nếu số TS nộp hồ sơ nhiều các trường sẽ căn cứ vào điểm học bạ hoặc điểm thi THPT quốc gia để chọn TS có điểm cao hơn.
 
Điểm sàn không phải là điểm chuẩn
Tiến sĩ Phan Ngọc Minh lưu ý điểm sàn và điểm chuẩn khác nhau. Từ mức điểm sàn tối thiểu, điểm chuẩn sẽ cao hay thấp phụ thuộc vào số lượng TS đăng ký vào ngành so với chỉ tiêu. Nếu ngành “nóng” thu hút nhiều TS thì điểm chuẩn có thể được đẩy lên cao.
Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh - truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, lưu ý điểm sàn là điểm tối thiểu để TS có thể xét tuyển vào ngành nào đó. Tùy theo từng ngành ở từng trường, TS có điểm bằng sàn sẽ có cơ may hoặc không. Nếu điểm thi cao hơn sàn từ 2 - 4 điểm thì cơ hội trúng tuyển sẽ cao. Nếu điểm thi thấp hơn điểm sàn, TS tìm thêm cơ hội ở trường khác hoặc bậc học thấp hơn như CĐ hay phương thức xét tuyển học bạ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.