Ông Trần Minh Đức, Trưởng phòng tuyển dụng Công ty nhựa Duy Tân, từng có vài lần tham gia vào buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp của sinh viên (SV) Khoa Cơ khí và Điện - Điện lạnh, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng. Ông Đức cho biết doanh nghiệp mình thường xuyên có sự kết nối với các trường và việc trực tiếp chấm đồ án tốt nghiệp mang lại rất nhiều ích lợi cho cả công ty và phía đơn vị đào tạo. “Nhu cầu tuyển dụng của công ty năm nào cũng có. Thông qua buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp, chúng tôi tiếp cận trực tiếp với SV, theo dõi cách vận hành sản phẩm, cách thuyết trình, phản biện cũng như xử lý sự cố… Nhờ thế chúng tôi có thể lựa chọn được ứng viên phù hợp để tuyển dụng”.
Tại những buổi bảo vệ đồ án như thế, ông Minh Đức sẽ phỏng vấn tại chỗ một số ứng viên thuộc các ngành như công nghệ ô tô cơ khí..., sau đó mời tới doanh nghiệp để phỏng vấn thêm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Kỹ thuật Minh Phú, cũng tham gia chấm đồ án tốt nghiệp cho SV Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng. Sau khi đặt câu hỏi phản biện, ông Hùng sẽ đánh giá kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm của SV thông qua khả năng giao tiếp, giải quyết vấn đề, xử lý khắc phục sự cố… Nếu thấy ứng viên phù hợp, ông Minh Đức sẽ tuyển dụng.
Nguyễn Văn Tuấn, SV năm 3 ngành điện công nghiệp Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cho biết: “Việc trường mời đại diện doanh nghiệp cùng phản biện, chấm điểm trong buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp rất có lợi cho SV vì họ đều là những người có kinh nghiệm và chuyên môn cao, biết được sản phẩm của tụi em còn thiếu gì”. Theo Tuấn, thông qua đợt thực tập và bảo vệ đồ án này, nhiều SV của trường đã được tuyển dụng.
Theo thạc sĩ Nguyễn Quốc Văn, Trưởng khoa Cơ khí, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, mỗi năm có khoảng 10% SV của khoa được doanh nghiệp tuyển dụng thông qua hình thức chấm đồ án tốt nghiệp này. Số SV còn lại đa số được tuyển dụng trong kỳ thực tập hoặc ngay trong các ngày hội việc làm được tổ chức tại trường.
Tại Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật TP.HCM, tiến sĩ Phạm Đức Khiêm, Hiệu trưởng, cho hay từ năm 2017, mỗi khoa đều mời 2 doanh nghiệp tham gia hội đồng khoa. Doanh nghiệp sẽ cùng tham gia xây dựng chương trình đào tạo, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, tiếp nhận SV thực tập, phản biện và chấm đồ án tốt nghiệp… “Chúng tôi hướng đến mục tiêu đã học là phải làm được việc ngay, nên mời doanh nghiệp tham gia rất nhiều khâu để mọi thứ luôn sát với thực tế. Nhiều doanh nghiệp nhận SV vào làm việc trong quá trình các em thực tập hoặc ngay trong buổi chấm đồ án tốt nghiệp”, tiến sĩ Khiêm chia sẻ.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp tham gia giảng dạy các môn học tại Trường CĐ Công thương TP.HCM như môn thực tập tốt nghiệp, các chuyên đề thực tế doanh nghiệp hoặc các môn thực hành tại doanh nghiệp.
Bình luận (0)