Đổi mới chương trình tiểu học: Nhiều nội dung tự chọn thành bắt buộc

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
21/02/2019 08:29 GMT+7

Chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu từ năm 2020 sẽ được 'mở màn' thực hiện với khối lớp 1. Ông Thái Văn Tài, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT trao đổi với PV Thanh Niên xung quanh kế hoạch thực hiện chương trình mới ở cấp học này.

  

Dạy học 2 buổi/ngày

Một trong những thay đổi lớn nhất với cấp tiểu học trong chương trình (CT) mới là chuyển từ việc dạy học 1 buổi/ngày sang bắt buộc dạy 2 buổi/ngày. Ông có thể chia sẻ về tính khả thi của nhiệm vụ này so với tình hình thực tế hiện nay?
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học       
CT giáo dục phổ thông mới là CT học 2 buổi/ngày, do đó số tiết học trong một năm học tăng lên. Mục tiêu của hoạt động dạy học 2 buổi/ngày là tăng cường giáo dục toàn diện, đặc biệt là các hoạt động thực hành, rèn luyện thân thể, sinh hoạt văn hóa - nghệ thuật, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh (HS); hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm; đáp ứng yêu cầu quản lý và giáo dục HS của gia đình và xã hội; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở cấp tiểu học.
Hiện nay toàn quốc đã có khoảng hơn 70% số trường tiểu học dạy 7 buổi/tuần trở lên. Tuy nhiên số còn lại là vô cùng khó khăn, tập trung vào các vùng đô thị dân số tăng cơ học do tốc độ đô thị hóa, vùng sâu, vùng xa. Có những nơi khó khăn đến mức phải có lớp ghép do phải học ở điểm lẻ quá xa trường chính, một số trường liên cấp... Nguyên nhân một số địa phương chưa tổ chức được cho HS học 2 buổi/ngày là khó khăn về quỹ đất, kinh phí và điều kiện sống của người dân.
Quan điểm xây dựng CT mới là hướng tới hơn 70% số trường đã dạy 7 buổi/tuần trở lên. Cùng với đó có giải pháp để khắc phục khó khăn hơn 20% còn lại. Vì vậy từ năm 2017 Bộ trưởng GD-ĐT đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 16, khẳng định rất rõ trách nhiệm của các địa phương trong việc rà soát, đánh giá lại điều kiện cơ sở vật chất hiện có để đảm bảo điều kiện thực hiện CT mới.
Để thực hiện được quy định của CT mới, bảo đảm cho con em địa phương không thiệt thòi so với HS những nơi khác, các địa phương thực hiện giải pháp như cân đối quỹ đất, kinh phí để mỗi năm theo lộ trình thực hiện dứt điểm việc dạy học 2 buổi/ngày.
Với những nơi còn “vô cùng khó khăn” như ông nói, giả sử đến thời điểm thực hiện CT mới ở lớp 1 vẫn chưa thể thực hiện dạy học 2 buổi/ngày thì sẽ phải xử lý ra sao?
Có thể nói việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày là một trong những thách thức đối với một số địa phương có tỷ lệ phòng học/lớp còn thấp, tỷ lệ giáo viên (GV)/lớp chưa đáp ứng được yêu cầu. Bộ GD-ĐT khi xây dựng CT đã lường hết những khó khăn nhất. Tuy nhiên, có thể thấy là những cơ sở giáo dục bố trí dạy học được 6 buổi/tuần thì đều có thể thực hiện được đầy đủ CT. Các cơ sở giáo dục chưa đủ điều kiện dạy học 2 buổi/ngày sẽ thực hiện kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Trong đó sẽ có hướng dẫn chi tiết về những lớp ghép thì dạy thế nào, nơi quá đông học sinh thì dạy thế nào... để làm sao thầy cô có định hướng cụ thể.
Đổi mới chương trình tiểu học: Nhiều nội dung tự chọn thành bắt buộc
Học sinh Trường tiểu học Thăng Long (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) ẢNH: NGỌC THẮNG

Cần thêm hàng chục nghìn phòng học

Chỉ còn hơn 1 năm để chuẩn bị cho việc thực hiện CT giáo dục phổ thông  mới ở cấp tiểu học, theo tính toán của Bộ, cơ sở vật chất trường học sẽ cần đầu tư như thế nào để đảm bảo đủ điều kiện tối thiểu?

Để đảm bảo đủ điều kiện cơ sở vật chất, Bộ GD-ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025 (theo Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29. 10. 2018). Theo đó, với tiểu học thì đến năm 2020 sẽ phải đầu tư xây dựng 5.900 phòng học tiểu học thay thế các phòng học tạm thời (bao gồm: phòng học tranh tre, nứa lá, đã hết niên hạn sử dụng, đang xuống cấp, cần xây dựng lại; phòng học nhờ, mượn, thuê tại các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo) .Xây dựng bổ sung 6.000 phòng học; 7.770 phòng chức năng (giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật, tin học, ngoại ngữ, thiết bị giáo dục, hỗ trợ giáo dục khuyết tật học hòa nhập); 3.420 phòng thư viện. Bên cạnh đó, cần mua sắm bổ sung 39.070 bộ thiết bị dạy học tối thiểu khối lớp 1 và lớp 2; 258.620 bộ bàn ghế hai chỗ ngồi; 13.910 bộ máy tính; 1.980 bộ thiết bị phòng học ngoại ngữ.

Trên cơ sở đó, cùng với các văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, các địa phương cần chủ động lên kế hoạch chi tiết, cụ thể để thực hiện được quy định của chương trình mới theo lộ trình như quy định tại Theo Nghị quyết 51 của Quốc hội.

Các môn học và hoạt động giáo dục ở tiểu học

Trong  CT giáo dục phổ thông mới, các  môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc ở tiểu học gồm: tiếng Việt;  toán;  đạo đức; ngoại ngữ 1 (lớp 3,4,5); tự nhiên và xã hội (lớp 1,2,3); lịch sử và địa lý  (lớp 4,5); khoa học (lớp 4,5);  tin học và công nghệ (lớp 3,4,5); giáo dục thể chất; nghệ thuật (âm nhạc và mỹ thuật) và hoạt động trải nghiệm (trong đó có tích hợp nội dung giáo dục của địa phương). Nội dung môn học giáo dục thể chất và hoạt động trải nghiệm được thiết kế thành các chủ đề; học sinh được lựa chọn chủ đề phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.  Các môn học tự chọn (dạy ở những nơi có đủ điều kiện dạy học và phụ huynh học sinh có nguyện vọng) gồm có tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 1 (dạy ở lớp 1, lớp 2).

Theo Nghị quyết của Quốc hội, CT giáo dục phổ thông  mới sẽ được thực hiện ở cấp tiểu học như sau: Năm học 2020 – 2021 lớp 1; năm học 2021 – 2022 lớp 2; năm học 2022 – 2023  lớp 3; năm học 2023 – 2024  lớp 4; năm học 2024 – 2025  lớp 5
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.