Đổi mới kiểm tra, đánh giá phải thông báo trước cho học sinh

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
09/01/2021 08:02 GMT+7

Đại diện Bộ GD-ĐT khẳng định đa dạng hình thức đánh giá không có nghĩa bắt buộc tất cả các cơ sở giáo dục thực hiện giống nhau, và dù đánh giá theo cách nào cũng phải có tiêu chí và thông báo trước cho học sinh.

 

Tránh lạm dụng, cần tiêu chí cụ thể

Dù học sinh (HS) hào hứng với cách đánh giá mới qua các sản phẩm từ bài học trải nghiệm thực tế, nhưng không ít ý kiến cũng cho rằng kết hợp hài hòa giữa thực tế và lý thuyết vẫn là điều mà các trường cần phải lưu ý, tránh lạm dụng 1 trong 2 hình thức. Trên thực tế, một số cơ sở giáo dục cũng tỏ ra lo ngại: Chưa đủ điều kiện để kiểm tra HS bằng “sản phẩm” thay vì bài viết, thì có phải chưa thực hiện đúng Thông tư 26 hay không?
PGS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết: “Quy định mới không yêu cầu giáo viên (GV) bỏ hình thức kiểm tra viết như truyền thống. Mà bên cạnh đó, GV có thể đánh giá HS qua quá trình tổ chức các hoạt động học với nhiều hình thức đa dạng như hỏi - đáp ngay trong tiết dạy bài học mới, trong tiết ôn tập, hoặc giao nhiệm vụ cho HS/nhóm HS thực hiện các yêu cầu cụ thể và đánh giá qua phần thuyết trình, báo cáo kết quả thực hiện, sản phẩm thực hành, thí nghiệm...”.

Sẽ quy định về đánh giá mới

PGS Nguyễn Xuân Thành cho biết Thông tư 26 dù sửa theo hướng tiệm cận với yêu cầu của chương trình mới nhưng chỉ áp dụng cho việc kiểm tra, đánh giá theo chương trình giáo dục phổ thông cũ. Khi áp dụng dạy học theo chương trình mới, Bộ sẽ ban hành quy định về kiểm tra, đánh giá mới hoàn toàn để phù hợp với mục tiêu mà chương trình này đặt ra.
Ông Thành lưu ý: “Việc xây dựng tiêu chí đánh giá bài thực hành, dự án học tập cần bảo đảm phù hợp với các mức độ yêu cầu đối với kiến thức, kỹ năng mà HS phải sử dụng để thực hiện những bài thực hành, dự án học tập đó”.
Ông Thành còn nhấn mạnh: “Tùy theo mỗi điều kiện, đối tượng HS và yêu cầu cụ thể của nội dung học tập, có thể lựa chọn cách dạy học, đánh giá khác nhau. Nhưng cần lưu ý với mỗi hình thức, khi đánh giá bằng điểm số phải thông báo trước cho HS về các tiêu chí đánh giá và định hướng cho HS tự học”.
Xung quanh việc các trường còn chưa áp dụng được việc xây dựng đề kiểm tra theo ma trận, đặc tả trong học kỳ 1, vì chưa được tập huấn cách làm mới, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết Bộ vừa ban hành hướng dẫn xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường. Trong đó, hướng dẫn cụ thể về việc xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá định kỳ.

Nên kiểm tra theo hướng chấm dứt thuộc bài mẫu

PGS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên chương trình môn ngữ văn trong chương trình giáo dục phổ thông mới, tán thành hướng giảm bớt các bài kiểm tra để công việc chấm bài của GV nhẹ nhàng hơn theo Thông tư 26.
Nói riêng về đề kiểm tra môn ngữ văn, ông Thống nêu quan điểm: “Đánh giá định kỳ chủ yếu tập trung vào năng lực đọc hiểu và viết. Như vậy, đề kiểm tra ngữ văn cần có 2 phần: phần 1 đánh giá năng lực đọc hiểu, phần 2 đánh giá năng lực viết. Tùy vào thời gian làm bài mà chia tỷ lệ cho các phần đọc hiểu và viết cho phù hợp. Ví dụ, nếu thời gian làm bài là 90 phút thì nên dành cho đọc hiểu 30 phút và viết 60 phút”.
Cũng theo ông Thống, yêu cầu đọc hiểu có thể ra theo hướng trắc nghiệm với một văn bản có dung lượng vừa phải, tối đa khoảng 400 chữ với cấp học THCS, 500 chữ với THPT. Yêu cầu viết, tùy theo thời gian, có thể ra 1 hay 2 câu; có thể viết đoạn văn tối đa khoảng 400 - 500 chữ, hoặc bài văn ngắn khoảng 800 - 1.000 chữ. Kiểu văn bản căn cứ vào chương trình mỗi lớp. Nội dung, đề tài có thể gắn với vấn đề đặt ra trong văn bản đã đọc hiểu hoặc một vấn đề độc lập. Hình thức ra nên theo hướng mở để khuyến khích ý kiến riêng, sáng tạo của HS.
Riêng với nghị luận văn học, ông Thống đề xuất cần chú ý dùng ngữ liệu mới (xác định hoặc HS tùy chọn), những trích đoạn chưa được học để đo được năng lực thực sự của HS trong tiếp nhận, phân tích, nhận xét văn bản văn học.
Đáng chú ý, ông Thống cho rằng cần mạnh dạn nêu lên các yêu cầu mở; yêu cầu đòi hỏi phải biết vận dụng tổng hợp nhiều kiến thức, kỹ năng; phải biết so sánh, liên hệ, đối chiếu… và nhất là phải vận dụng được vào tình huống mới, ngữ liệu mới. “Nếu chỉ loanh quanh ra lại các văn bản - tác phẩm đã học như cách ra đề lâu nay, thì mãi mãi không chấm dứt được tình trạng học thuộc các tài liệu có sẵn và chép lại văn mẫu. Khi đó, mỗi năm có yêu cầu HS viết 8 hay 18 bài văn cũng vô nghĩa, mục tiêu phát triển năng lực đọc và viết của HS cũng sẽ thất bại”, ông Thống cảnh báo.
GS Đỗ Đức Thái, chủ biên môn toán, nhiều lần nhấn mạnh việc thay đổi cách thức ra đề kiểm tra, thi cử, nhất là các kỳ thi quan trọng như tuyển sinh vào lớp 10, thi THPT… sẽ tác động trực tiếp tới cách dạy học trong trường phổ thông. GS Thái nêu ví dụ việc đổi mới cách ra đề môn toán trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của TP.HCM những năm gần đây đã khiến các nhà trường buộc phải chuyển từ dạy theo hướng truyền tải nội dung sang dạy học giúp HS hình thành và phát triển năng lực toán học. GV đã dần dạy học theo hướng “ứng dụng toán học vào thực tiễn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.