Người lãnh đạo Sở GD-ĐT Hải Phòng lý giải về quyết định này: thực tế dạy học trực tuyến trong mấy ngày qua đã phát sinh quá nhiều bất cập. Các cháu lớp 1 vẫn còn quá bé để tự vận hành máy tính, thao tác kỹ thuật trong quá trình học với thầy cô giáo. Bố mẹ các cháu thì đi làm không thể ở nhà để cùng học.
Một quyết định đúng đắn của một Sở GD-ĐT địa phương có khiến tất cả các sở GD-ĐT trong cả nước, nhất là những địa phương có dịch, phải suy nghĩ và có hướng quyết định cho địa phương mình về phương thức học không chỉ cho trẻ em lớp 1 lớp 2, mà cho cả học sinh tiểu học ?
Học trực tuyến, mới nghe thì nghĩ đó là biện pháp hiệu quả trong thời Covid-19 đang hoành hành, nhưng khi đã thực tế trải qua một năm học với nhiều thời gian học trực tuyến, các thầy cô giáo ở nhiều địa phương đều công nhận là cách học này với học sinh Việt Nam là chưa hiệu quả, bởi nhiều lý do. Đầu tiên là phương tiện kỹ thuật để học trực tuyến không “phủ sóng” đều trong cả nước. Không chỉ internet vẫn còn nơi mạnh nơi yếu, nơi không có, mà phương tiện cá nhân như máy tính, laptop không phải học sinh trong nước đều có đủ. Ngay khi ở những địa phương mà gia đình đã có đủ phương tiện kỹ thuật, thì việc tiếp thu của học sinh qua những bài giảng trực tuyến không thể hiệu quả như khi dạy và học trực tiếp. Chưa kể, với những học sinh chưa có đầy đủ ý thức tự giác học tập, thì học trực tuyến lại là…cơ hội để học sinh không học mà…chơi, hay làm việc khác.
|
Không phải bất cứ hình thức dạy và học tiên tiến nào ở những nước phát triển ứng dụng bình thường thì Việt Nam cũng làm ngay được như vậy. Với học sinh miền núi bây giờ mà tổ chức học trực tuyến, thì khác nào một lối đùa dai không lịch sự. Bao giờ học sinh miền núi mới có đủ phương tiện kỹ thuật, có thể sử dụng thành thạo phương tiện kỹ thuật để học trực tuyến? Còn giáo viên miền núi hay vùng sâu vùng xa nữa, sao chúng ta không biết họ vẫn còn thiếu thốn những gì, những thiếu thốn ấy còn khi đơn giản hơn một chiếc laptop nhiều ?
Vì sao, Hải Phòng lại cho dừng dạy và học trực tuyến với học sinh lớp 1 và 2, và có thể, cả học sinh tiểu học ? Câu trả lời thật ngắn gọn: vì Hải Phòng nhận thấy phương án dạy và học này không hiệu quả, sẽ khiến các em bé không tiếp thu được gì mấy, ngược lại, các em dễ nản học, và khó bắt nhịp với lối dạy và học trực tiếp khi không còn dịch bệnh.
Với học sinh tiểu học, rất cần cân nhắc các giải pháp dạy và học. Tại sao, trong lúc có dịch, học sinh nhỏ phải ở nhà, lại không giảm tải nội dung sách giáo khoa, rút ngắn những phần nào có thể, làm nhẹ bớt những kiến thức chưa cần thiết. Giáo viên sẽ trực tiếp liên lạc với phụ huynh qua điện thoại, gửi bài học đã rút ngắn bớt, để cha mẹ cho học sinh làm bài tập, những bài tập không khó với các em, sau đó, giáo viên trực tiếp chấm và gửi kết quả và bài giải cho phụ huynh học sinh.
Hình thành một kiểu dạy và học “tay ba” giữa giáo viên-phụ huynh-học sinh, đó là cách dạy và học khả thi nhất trong thời dịch bệnh này. Như thế, thời gian dạy và học sẽ không cố định, và phụ huynh có thể, trong mức độ, tham gia cùng học với con mình những lúc rảnh.
Dạy và học như thế, tuy không thể bằng trực tiếp nhưng hợp lý hơn dạy và học trực tuyến.
Bình luận (0)