Đừng soạn sách bằng thứ tiếng Việt ngọng nghịu

09/10/2020 07:02 GMT+7

Đừng vì học vần mà bắt học sinh lớp 1 học các từ rất khó, khó cho cả người lớn như 'chuếnh choáng', 'trống huếch', 'khuếch khoác', 'nguều ngoào'... Không lẽ người lớn không thấy sự vô lý đó?

Những nhà soạn sách tiếng Việt cho lớp 1 gặp một khó khăn rất lớn: rất khó soạn bài tập đọc, thậm chí viết câu văn ngắn cho học sinh tập đọc vì thời gian đầu học sinh chỉ vừa học mấy vần mà thôi. Chính vì thế, nhìn từ góc độ người viết sách lớp 1, các câu như: “Dê la cà ở bờ đê. Bờ đê có dế. Bờ đê có cả bê. Bê be be” là hợp lý, trong vòng chừng đó vần mà viết được như vậy là quá tài.

Không phải là loại tiếng Việt tự nhiên mà học sinh tiếp xúc ngoài đời

Thế nhưng hãy nhìn từ phía học sinh. Học sinh lớp 1 đã nói tiếng Việt rành rẽ; các em sẽ nói “Con bê kêu be be” chứ không bao giờ nói theo kiểu ngọng nghịu “Bê be be” - bắt các em học như thế là coi thường các em, là như thể nói với người thiểu năng trí tuệ. Đó là chưa kể sách tiếng Việt bắt buộc dùng từ chính xác; nói “Dê la cà” là không ổn, không đúng nghĩa từ “la cà”.
Đây chỉ là một ví dụ được chọn ngẫu nhiên; phần đầu các cuốn sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 theo chương trình mới đều tràn ngập một loại tiếng Việt ngây ngô, lủng củng, lúng ta lúng túng như gà mắc tóc. Cái cảm giác khi đọc các câu, các bài tập đọc này là nó làm chúng ta trẹo lưỡi, đọc không suôn sẻ. Nói cách khác, đó không phải là loại tiếng Việt tự nhiên mà học sinh tiếp xúc ngoài đời.

Không cần dạy học sinh theo kiểu đánh vần, được không ?

Tại sao cứ tự trói buộc mình vào các vần đã dạy để soạn bài tập đọc? Tại sao phải khổ công nghĩ ra các câu trúc trắc trục trặc như thế? Một số chuyên gia ngôn ngữ từng đề xuất không cần dạy học sinh theo kiểu đánh vần nữa mà dạy trực tiếp vào nhận dạng từ và học từng từ. Đây là một đề xuất có thể gây tranh cãi, khó áp dụng.
Nhưng tại sao chúng ta không kết hợp cả hai phương pháp: biên soạn bài tập đọc thì không cần theo thứ tự các vần đã học, xem như bài cô giáo sẽ đọc to cho học sinh nghe, các em đọc theo và có thể thuộc lòng. Trong bài cố gắng đưa càng nhiều vần đang học vào càng tốt; các từ có vần này được tô đậm hay in bằng màu khác cho nổi bật lên và các em sẽ học đánh vần các từ này. Kết hợp cả hai cách: nhận dạng chữ đã học và đánh vần khi cần là phương cách tiếp cận giải quyết được những vướng mắc nói ở đầu.
Như thế chúng ta có thể soạn các bài đọc thật nhẹ nhàng, dễ hiểu, dễ nhớ, có ý nghĩa - nên nhớ học ngôn ngữ là học giao tiếp, học tiếng Việt là để sử dụng tiếng Việt chứ không phải học về ngôn ngữ đó. Không khéo các nhà soạn sách đang dạy các em cách ghép vần chứ không phải dạy tiếng Việt - cũng tương tự như dạy ngữ pháp cho các em học ngoại ngữ thay vì dạy ngay cách dùng ngôn ngữ đó trong các tình huống giao tiếp.
Soạn sách như thế, chúng ta sẽ chỉ giới hạn số lượng từ mới cho học sinh học, sẽ đừng vì học vần mà bắt học sinh lớp 1 học các từ rất khó, khó cho cả người lớn như “chuếnh choáng”, “trống huếch”, “khuếch khoác”, “nguều ngoào”… Không lẽ người lớn không thấy sự vô lý đó? Có ai dạy cho học sinh lớp 1 ở Anh những từ “cao siêu” như existentialism hay synchronous, sao chúng ta bắt học sinh lớp 1 của chúng ta học từ như “chếnh choáng”…?
Người viết nhớ cách đây chừng hơn 20 năm có một cuốn sách dạy trẻ con nhận biết các mẫu tự. Mỗi trang là mẫu tự được dạy, in hình lớn, cả chữ hoa lẫn chữ thường. Bên cạnh đó là một bài thơ, một đoạn ca dao hay một bài hát trong đó có mẫu tự đang dạy. Trẻ được dạy đọc thuộc bài thơ, đoạn ca dao hay lời bài hát và biết nhận dạng mẫu tự. Sau đó, thử kiểm tra, các em nhận biết mẫu tự một cách chính xác và đọc làu làu các bài kèm theo dù chưa biết đánh vần gì cả. Lớp học sinh này sau này học đánh vần một cách nhanh chóng và viết đúng chính tả nữa.
Thiết nghĩ việc nhiều người, kể cả người lớn đã qua trường lớp, đang viết sai chính tả một phần do viết theo cách họ đánh vần từ đó trong đầu. Giả thử người đó nhớ lại từ đã thấy trên sách báo rồi viết đúng như mình thấy chứ không như mình đánh vần, ắt sẽ giảm sai sót chính tả một cách đáng kể. Quan trọng nhất là không còn bắt học sinh đọc các câu không phải là tiếng Việt của người Việt nói như “Gà có ngô”, “Bố mẹ có cà phê”, “Dì Kế giã giò”…
Phụ huynh phàn nàn về từ ngữ trong sách giáo khoa tiếng Việt
Theo dõi chương trình học năm nay của con, nhiều phụ huynh cho biết trong môn tiếng Việt của học sinh lớp 1 có rất nhiều từ khó hiểu với trẻ.
Chị Hoàng Thị Hoa (ngụ Q.12, TP.HCM) cho biết khi dạy kèm con học, chị đã tham khảo bộ sách mới của con, trong đó môn tiếng Việt có rất nhiều từ mới, lạ… Cụ thể, trong bài số 31 (môn tiếng Việt, bộ sách Cánh diều) khi học sinh học đến vần “ua, ưa” thì sách đưa vào dạy các chữ chứa vần này, trong đó có chữ “dưa đỏ”. Theo chị Hoa đây là một từ dùng không chính xác, vì từ đúng của loại quả này phải là dưa hấu đỏ hoặc dưa hấu chứ không ai dùng dưa đỏ. Trong bài 33, bài đọc “Thỏ thua rùa”, cuốn sách viết: “Thỏ nghĩ rùa sẽ thua. Nó la cà nhá cỏ, nhá dưa, lơ mơ ngủ”. “Vậy từ “nhá” ở đây nghĩa là gì?”, chị Hoa tự hỏi và tra từ điển tiếng Việt cũng như lên mạng tìm kiếm, nhưng câu trả lời nhận được càng khiến chị thêm băn khoăn: “Nhá: nhai kỹ cho giập, cho nát (thường vật dai, cứng, khó ăn)”. “Trong đoạn văn này nếu thỏ “la cà nhá cỏ” thể hiện nó rất thảnh thơi vừa nhai vừa chơi, vậy thì dùng từ nhá có phù hợp không?”, chị Hoa nói thêm.
Còn ở bài 17 môn tiếng Việt lớp 1 (bộ Kết nối tri thức), chị Thu Ngân (ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) cũng thắc mắc nhiều từ mà con đang được học. Cụ thể, trong phần học âm “g” các con được giới thiệu nhiều chữ có âm này, đặc biệt có chữ “gụ”. Khi tra từ điển, phụ huynh mới biết đây là một loại cây gỗ.
PGS-TS Đoàn Lê Giang, Trưởng khoa Việt Nam học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng từ “dưa đỏ” là một trong những từ cổ, hiện được dùng ở một số địa phương, nhưng không phổ biến. Tương tự, các từ như “gụ”, “nhá”… cũng là những từ có nghĩa nhưng thuộc phương ngữ, dùng nhiều ở phía bắc và không phổ biến nên có thể nhiều người chưa từng biết đến.
Nguyễn Loan (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.