TP.HCM điều chỉnh việc dạy và học đối với học sinh lớp 1 như thế nào?

Bích Thanh
Bích Thanh
07/10/2020 14:19 GMT+7

Ngày 7.10, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có chỉ đạo tăng cường về việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đối với chương trình lớp 1 năm học 2020-2021.

Theo phản ánh của một số giáo viên, cha mẹ học sinh, chương trình, sách giáo khoa môn tiếng Việt lớp 1 còn gặp một số khó khăn trong quá trình tổ chức dạy và học. Để có thể hỗ trợ giáo viên, phụ huynh, đặc biệt là học sinh khắc phục và vượt qua giai đoạn khó khăn, Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu trưởng phòng giáo dục 24 quận, huyện triển khai cho các trường tiểu học thực hiện nghiêm túc một số nội dung sau:

Phân bổ hợp lý thời lượng các môn học để không gây quá tải

Đối với hiệu trưởng, chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học các môn học, hoạt động giáo dục để không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình mới được xây dựng theo hướng mở. Giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh. Thời khóa biểu cần đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa các môn học và hoạt động giáo dục, phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1.

Chỉ đạo giáo viên tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng với yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực người học, tăng cường trao đổi thông tin để cha mẹ học sinh nắm được yêu cầu đổi mới của chương trình và đồng hành cùng nhà trường thực hiện hiệu quả chương trình.

Giáo viên không gây áp lực với học sinh và phụ huynh

Hồng Phong

 

Tăng cường dự giờ, thăm lớp, hỗ trợ thường xuyên cho giáo viên trong quá trình triển khai thực hiện chương trình. Chủ động phối hợp với các nhà xuất bản, cơ sở đào tạo giáo viên trong công tác bồi dưỡng, hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên một cách phù hợp.

Căn cứ điều kiện thực tế của nhà trường, chủ động xây dựng kế hoạch dạy học cho phù hợp. Chú ý tận dụng tối đa các tiết thực hành, ôn tập, ôn luyện để hỗ trợ, hướng dẫn học sinh hình thành các kỹ năng cơ bản, hỗ trợ học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập. Linh hoạt xác định yêu cầu cần đạt theo từng “chặng” để giúp học sinh nắm vững các kiến thức, kỹ năng của môn học, hoạt động giáo dục. Trên cơ sở xác định yêu cầu cần đạt theo từng “chặng”, linh hoạt điều chỉnh nội dung dạy học sao cho gần gũi, dễ hiểu, phù hợp với đối tượng học sinh...

Giảm yêu cầu cần đạt ở một số kỹ năng

Đối với môn tiếng Việt lớp 1, giai đoạn đầu năm học, giáo viên có thể điều chỉnh giảm yêu cầu cần đạt ở một số kỹ năng. Đối với kỹ năng đọc đoạn, những học sinh đọc chưa tốt chỉ yêu cầu các em đọc được từ ngữ có chứa âm/chữ/vần mới, tiến tới đọc câu ngắn. Những học sinh này có thể vừa đánh vần vừa đọc.

Đối với kỹ năng viết, với những học sinh viết chưa tốt chỉ yêu cầu các em viết được chữ ghi âm mới, bước đầu hướng tới viết đúng độ cao, độ rộng, chưa đặt ra yêu cầu viết đẹp hoặc viết được các chữ ghi tiếng, ghi từ. Yêu cầu về các kỹ năng này sẽ được nâng cao dần qua từng “chặng” học tập tiếp sau.

Không nhắn tin nhận xét học sinh học tập chưa như mong muốn

Để tránh những áp lực đối với học sinh, phụ huynh, trong chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, yêu cầu giáo viên ghi nhận sự tiến bộ, cố gắng cho dù nhỏ của từng học sinh. Có hình thức động viên, khen ngợi kịp thời để khuyến khích học sinh hoàn thành các nhiệm vụ học tập. Tuyệt đối không chê bai hay phê bình học sinh.

Với những học sinh tiếp thu bài chưa như mong muốn, giáo viên cần chủ động mời phụ huynh đến để trao đổi, tư vấn, hướng dẫn, bàn biện pháp phối hợp giữa phụ huynh và giáo viên để giúp các em tiến bộ.

Đặc biệt, lãnh đạo Sở nhấn mạnh giáo viên không giao bài tập về nhà đối với học sinh lớp 1 đã học 2 buổi/ngày ở trường. Không sử dụng hình thức nhắn tin (hoặc các hình thức tương tự) nhận xét về những học sinh học tập chưa như mong muốn, tránh gây áp lực tâm lý cho phụ huynh, học sinh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.