Cô trò lớp 1 chật vật với chương trình mới, vì đâu?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
07/10/2020 07:08 GMT+7

Tròn 1 tháng dạy học chương trình, sách giáo khoa lớp 1 mới, Bộ GD-ĐT đã phải ra văn bản 'tăng cường chỉ đạo'.

Các giáo viên và cán bộ quản lý địa phương cũng đưa ra những nguyên nhân khiến chương trình lớp 1 “bị kêu”.

Môn tiếng Việt khó hơn

Trao đổi với PV Thanh Niên, các giáo viên (GV) đều có chung nhận định sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới có những ưu điểm so với sách cũ. Sách trình bày, thiết kế đẹp hơn, kênh hình kênh chữ bắt mắt và phong phú, nhiều màu sắc hơn, thiết kế nhiều hoạt động phù hợp với tâm lý lứa tuổi..., do vậy học sinh (HS) rất hứng khởi. Hầu hết GV đều cho rằng nhìn tổng thể mức độ cần đạt khi kết thúc chương trình không cao hơn so với chương trình cũ, nhưng tiến độ chương trình môn tiếng Việt lớp 1 mới nhanh hơn, yêu cầu cao hơn là một thực tế không thể phủ nhận.
Cô Nguyễn Quỳnh Nga, GV Trường Marie Curie (Hà Nội), phân tích: Với môn tiếng Việt, sự quá tải trước hết ở thời lượng, thời gian học tiếng Việt rất nhiều, liên tục cũng gây quá tải cho HS. Theo chương trình mới, HS học 12 tiết tiếng Việt/tuần, gấp 4 lần môn toán và chỉ còn tổng 20 tiết cho các môn học và hoạt động giáo dục còn lại. Chương trình cũ thì tiếng Việt 10 tiết, toán 4 tiết còn hiện nay thì tiếng Việt 12 tiết mà toán chỉ có 3 tiết/tuần.
Yêu cầu cũng cao hơn so với chương trình cũ. Tuần 2 - 3, HS đã phải đọc câu dài, tiếp theo là viết bảng con cũng phải viết nhiều âm, nhiều vần, nhiều từ. Tuần thứ 2 đã bắt đầu có bài viết chính tả nhìn viết.
Trong phần bài tập, ngay từ tuần 2 đã có bài tập trắc nghiệm, nếu HS chưa biết đọc thì rất khó vì các em sẽ phải đọc rất lâu để khoanh đáp án. Vở tập viết đi kèm SGK mỗi bài vừa dài vừa khó. HS vừa mới học các con chữ thì đã phải nối vào để tạo thành các tiếng, các từ. Nhiều HS chưa nắm được độ cao, độ rộng của con chữ đã phải viết các nét nối nên khó cho các em và các cô dạy cũng rất chật vật. Theo chương trình cũ thì đến hết tuần thứ 4 mới học ở phần âm thì hiện nay đến tuần thứ 5 là đã sắp hết phần âm và chuyển sang phần vần. Với tâm lý lứa tuổi của HS lớp 1 thì một ngày học nhiều âm, nhiều vần cũng gây quá tải chứ chưa nói kiến thức đó là khó hay dễ.

Năm nay, nhận lớp 1 tôi thấy vất vả hơn mọi năm. GV lớp 1 chúng tôi vừa phải rèn nền nếp học cho các con, vừa phải dạy cho kịp bài, cũng cảm thấy có phần áp lực

Phạm Phương Chi, Trường tiểu học Ngọc Khánh (Q.Ba Đình, Hà Nội)

Cô Phạm Phương Chi, GV chủ nhiệm lớp 1A5, Trường tiểu học Ngọc Khánh (Q.Ba Đình, Hà Nội), cũng cho rằng phần tiếng, từ mới hợp lý, phù hợp với HS. Tuy nhiên, phần đọc đoạn dài hơi quá sức cho các con. Việc đưa mẫu chữ in hoa vào ngay từ những bài đầu và giới thiệu 3 mẫu chữ trong 1 bài đọc làm cho HS dễ bị lẫn.

Học sinh không được chuẩn bị kỹ do dịch Covid-19

Hầu hết GV đều chung nhận định dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tâm thế sẵn sàng vào lớp 1 của lứa HS năm nay.
Cô Phạm Phương Chi chia sẻ: “Năm nay, nhận lớp 1 tôi thấy vất vả hơn mọi năm. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thời gian cuối ở cấp mầm non, các con chưa được rèn luyện nhiều, không được làm quen với bảng chữ cái. Năm nay, các con cũng không được đến trường làm quen trước với nếp học lớp 1 trước khai giảng. GV lớp 1 chúng tôi vừa phải rèn nền nếp học cho các con, vừa phải dạy cho kịp bài, cũng cảm thấy có phần áp lực”.
Cô Nguyễn Quỳnh Nga cũng cho rằng: “Nếu theo thiết kế chương trình lớp 1 mới thì buộc HS phải nhận biết bảng chữ cái từ mầm non. Trong khi đó, do dịch Covid-19 nên trẻ mầm non 5 tuổi không được đến trường đủ thời gian như năm trước, khiến cho việc học lớp 1 của lứa HS năm nay khó khăn hơn”.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cũng cho biết dịch Covid-19 khiến HS vào lớp 1 khi chưa được học đầy đủ chương trình mầm non 5 tuổi là một nguyên nhân gây ra những bất cập kể trên. (còn tiếp)
“Dạy học sinh lớp 1 là không thể nóng vội được”
Lãnh đạo Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT, cho rằng việc thiết kế chương trình lớp 1 với thời lượng môn tiếng Việt tới 12 tiết/tuần là nhằm mục đích giúp HS “đọc thông viết thạo càng nhanh càng tốt” để có thể học các môn khác. Tuy nhiên, một số chuyên gia giáo dục tiểu học cho rằng cần phải tính đến khả năng “chịu tải” và tâm lý lứa tuổi lớp 1. Chuẩn kiến thức trong chương trình có lộ trình nhất định. “Do vậy, việc dạy HS lớp 1 là không thể nóng vội được”, một lãnh đạo phụ trách tiểu học cấp sở nói. 
Tuyết Mai
Luyện đọc rất khó với lớp sĩ số đông
Nhận xét về chương trình lớp 1 năm nay, cô Bùi Thị Tuyết Trinh, GV Trường tiểu học ICS (Q.2, TP.HCM), cho biết bản thân cô không gặp quá nhiều áp lực với bộ sách này nhưng vẫn thừa nhận dạy không kịp nếu bám theo chương trình.
Đặc biệt, với chương trình mới, HS được học phần tập đọc rất sớm. Với chương trình trước đây, khi học gần hết phần đọc vần HS mới chuyển qua phần tập đọc, còn bây giờ ngay trong phần học vần các em đã có phần tập đọc với những đoạn khá dài. Với những lớp ít HS, 30 - 35 em, thì GV có thể luyện đọc tốt cho HS, còn với những lớp 40 đến trên 50 HS thì rất khó. “Lượng từ vựng rất lớn, mỗi bạn đứng lên đọc một lượt đã rất lâu, nếu lớp đông thì không phải em nào cũng được đứng dậy đọc hay được GV chỉnh sửa ngay tại lớp”, cô Trinh nói. 
Nguyễn Loan
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.