Gặp nam sinh 15 tuổi tự làm trình duyệt web và trợ lý ảo

30/12/2016 09:19 GMT+7

Tự học lập trình qua mạng, nhưng Nguyễn Anh Khoa (học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành, Kon Tum) đã sở hữu một 'gia tài' kha khá các sản phẩm công nghệ của mình: trình duyệt KT Browser, trợ lý ảo Cena...

Làm quen với lập trình từ mẫu giáo
Anh Khoa kể: “Hồi mẫu giáo, em được chú ruột chỉ cho viết những thuật toán đơn giản như cộng, trừ, nhân, chia; được chú chỉ dẫn những phần cơ bản nhất để viết chương trình. Với cuốn sách Lập trình Pascal ở nhà, em bắt đầu tự học từ đó nhưng chủ yếu là đọc sơ qua. Đến lớp 3, em tham gia một diễn đàn về ngôn ngữ lập trình “Visual basic” trên mạng và bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về lập trình”.
Tự mày mò, nghiên cứu, Anh Khoa bắt đầu lập trình trình duyệt web KT Browser từ năm lớp 5. Tính đến nay, KT Browser đã được Anh Khoa phát triển đến phiên bản 6.0 và được tích hợp thêm trợ lý ảo Cena - cũng do em lập trình - có khả năng nhận diện giọng nói bằng tiếng Việt. Trình duyệt web của Anh Khoa đã giành giải khuyến khích cuộc thi “Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật quốc gia 2015”. Còn trợ lý ảo Cena được trao giải nhì ở cuộc thi này vào năm 2016.

tin liên quan

Cô gái 9X mở lớp hùng biện miễn phí
'Với mình, hùng biện là cách chúng ta thể hiện những suy nghĩ của bản thân và thuyết phục mọi người tin vào điều đó', Lê Khánh Linh (21 tuổi, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội) chia sẻ.
Có bố là giáo viên dạy toán, Anh Khoa bộc lộ năng khiếu làm toán khi biết làm phép tính số âm, số dương ngay từ lúc học tiểu học. Nhưng ít ai biết, để theo đuổi đam mê lập trình, Anh Khoa đã “chật vật” trong việc thuyết phục gia đình.
Thầy Hồ Hữu Sơn (giáo viên dạy môn tin học, Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành, người trực tiếp giảng dạy Anh Khoa) nhận xét: "Khoa là một học trò có sự đam mê khám phá công nghệ thông tin. Bố mẹ của Khoa cũng làm trong ngành giáo dục nên Khoa có điều kiện tiếp cận sớm với công nghệ. Chính điều đó khiến em tạo ra những sản phẩm mà các thầy cô nhiều khi cũng không nghĩ ra được. KT Browes phát triển trên nền tảng mở, nhưng được Khoa ngày một hoàn thiện. Có một số trình duyệt web đã phổ thông đến mức rất khó làm ra một cái gì khác biệt. Nhưng Khoa đã đi theo một hướng rất riêng, tạo ra sự hứng thú với cộng đồng". 
Anh Khoa kể: “Bố muốn em theo đuổi môn toán. Đến năm lớp 7, trường tổ chức thi học sinh giỏi toán để chọn học sinh giỏi cấp huyện, em đã không làm bài, quyết định không theo toán để có thể có thời gian tự học lập trình”.
Tự học là chính
Công việc lập trình đòi hỏi "thiên tài công nghệ" phải cập nhật kiến thức liên tục, vì vậy biết tiếng Anh rất quan trọng. Anh Khoa thường trau dồi vốn tiếng Anh của mình bằng cách gửi thư, trò chuyện với các lập trình viên quốc tế mà em tham khảo mã nguồn.
Anh Khoa nói: “Em không cảm thấy bất lợi vì ở vùng xa. Internet kết nối ra cả thế giới, không chỉ Việt Nam hay Kon Tum”.
Lập trình những sản phẩm phức tạp như trình duyệt web, hệ điều hành, nhưng Anh Khoa rất tự tin với việc phát triển sản phẩm của mình. Đối với những kiến thức khó, Anh Khoa thường tự học cho đến khi hiểu được thì thôi. Đối với việc lập trình, gặp vướng mắc, Anh Khoa thường tìm câu trả lời bằng... Google. Đối với em, việc quan trọng là phải hỏi đúng người.
Nói về việc từng bị cộng đồng mạng ném đá vì dùng quá nhiều mã nguồn mở cho sản phẩm của mình, Anh Khoa cho biết ban đầu em cũng rất “stress”, nhưng được bố mẹ động viên nên em nhanh chóng quay trở lại tập trung vào việc học. Tự tay tháo bỏ đứa con tinh thần của mình khỏi mạng Internet, Anh Khoa thể hiện tinh thần chịu trách nhiệm và hứa hẹn sẽ sớm mang tới sản phẩm của mình hoàn thiện hơn nữa.
Nói về cuộc sống của mình, Anh Khoa cho biết không có nhiều thay đổi từ khi em được nhiều người biết đến. Thay đổi lớn nhất của em là được bố mẹ mua cho một chiếc điện thoại để kiểm tra phần mềm.
Chia sẻ về bí quyết học tập và lập trình của mình, Anh Khoa nói: “Em thường xem tin tức về công nghệ để biết xu hướng, thị hiếu của người dùng. Về tiếng Anh, em không học sâu về ngữ pháp, mà chủ yếu trau dồi vốn từ vựng. Khi gặp vấn đề không biết em thường tìm kiếm trên Google, hỏi người khác trên Facebook...”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.