Quỳnh tâm sự: “Từ nhỏ, em được mẹ mình truyền lửa bằng câu nói: Nếu còn trẻ thì cứ theo đuổi đam mê, nên em đã lấy đó làm phương châm sống cho bản thân mình. Chính câu nói của mẹ đã giúp em vượt mọi “chướng ngại vật” trong học tập để đạt được kết quả như ngày hôm nay”.
Đừng từ bỏ ước mơ
Trước đây, gia đình Quỳnh sống ở huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh), bố mẹ em đều là giáo viên dạy toán cấp 3. Khi Quỳnh lên 6 tuổi, bố em là ông Đặng Hữu Dân chuyển về công tác tại Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh (TP.Hà Tĩnh) nên đưa cả 4 thành viên trong gia đình xuống thành phố lập nghiệp. Sinh ra trong gia đình có truyền thống hiếu học nên từ lớp 1 đến lớp 12, Quỳnh được bố mẹ cho theo học tại các trường có môi trường giáo dục hàng đầu tỉnh Hà Tĩnh.
Bắt đầu từ năm lớp 3, bố mẹ Quỳnh đã cho con gái học thêm tiếng Anh. Sau này, khi lên cấp 3 học ở trường bố mình giảng dạy, Quỳnh cũng vào lớp chuyên Anh. “Em được bố mẹ định hướng học tiếng Anh trước chương trình đào tạo nên em lợi thế hơn các bạn cùng lứa. Lên cấp 2, môn tiếng Anh mới được học nhưng em đã có vốn từ vựng khá nhiều nên nhỉnh hơn các bạn trong lớp một tí”, Quỳnh khiêm tốn kể.
|
Quỳnh cho biết, ước mơ du học Mỹ của em nhen nhóm từ khi bắt đầu lên cấp 2. Để biến ước mơ thành hiện thực, Quỳnh đã phải nỗ lực học tập đều các môn, đặc biệt là môn tiếng Anh. Sự phấn đấu của em được khẳng định khi năm lớp 10 và 11, em giành giải nhì môn tiếng Anh tỉnh Hà Tĩnh; lớp 12 giành giải nhất Quốc gia môn này.
“Đi du học tốn rất nhiều tiền trong khi kinh tế gia đình em không giàu có lắm. Vì thế, em đặt mục tiêu phải đạt được điểm cao ở các môn và tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa để khi làm hồ sơ gửi sang Mỹ may ra mới giành được học bổng cao được. Em nghĩ nếu mình cứ cố gắng nỗ lực sẽ có ngày thành công”, Quỳnh tâm sự.
Được tuyển thẳng vào Đại học Ngoại thương Hà Nội, Quỳnh chọn học ở Khoa Kinh tế đối ngoại. Thời gian này, Quỳnh bắt đầu lên mạng tìm hiểu về cách làm các thủ tục và hỏi bạn bè, anh chị đang du học ở Mỹ để làm hồ sơ. Theo học được 1 năm thì Quỳnh xin bảo lưu kết quả học tập rồi trở về nhà xin phép bố mẹ về ý định du học của mình.
“Lúc nghe con nói quyết định đi du học tôi cũng hơi lo lắng vì điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn. Tuy nhiên, cả hai vợ chồng tôi đều nghĩ đại học không phải là con đường duy nhất để thành công nên đã đồng ý với lựa chọn của con”, cô Nguyễn Thị Hồng Liên (mẹ Quỳnh) nói.
Tuổi thơ vẫn còn đó khi ta trở lại
Chỉ có 8 tháng để chuẩn bị hồ sơ, Quỳnh gấp rút thi IELTS, ACT, hoàn thiện các thủ tục… Tuy thời gian ít ỏi nhưng kết quả mà em đạt được rất đáng nể. Chỉ sau một tháng ôn luyện, em đạt 8.0 IELTS, ACT đạt 32/36.
Quỳnh cho biết bài luận mang tính quyết định gửi Đại học Smitt College để nhận được học bổng 6 tỉ đồng là viết về các hoạt động tuổi thơ và nói lái.
|
“Không hiểu sao từ năm 2 tuổi em đã biết nói lái. Mỗi lần mẹ nói “sáng ăn khoai”, em đổi lại “khoái ăn sang” hoặc “chả sợ chi”, nói thành “chỉ sợ cha”… Trước khi bố chưa chuyển công tác, tuổi thơ em gắn liền với con đường làng, cánh đồng lúa và các trò chơi dân gian. Áp lực của tuổi trưởng thành khiến những tính cách thời nhỏ và việc nói lái dần biến mất. Nhưng khi trở lại miền quê, những kí ức lại ùa về”, Quỳnh bộc bạch.
Về dự định tương lai, Quỳnh nói rằng: “Từ nhỏ em rất thích vẽ nhưng không có điều kiện để phát triển bộ môn này nên em muốn học khoa sáng tạo ở Smith. Còn 8 tháng nữa là nhập học, thời gian này em sẽ trau dồi thêm ngoại ngữ và học vẽ”.
tin liên quan
Cô gái 8x và dự án hỗ trợ sinh viên du học'Mình từng rất vất vả để săn học bổng và gặp không ít khó khăn khi sinh sống tại nước ngoài. Vì thế, ngay khi về nước, mình bắt đầu manh nha ý định về dự án Aupair của riêng mình", Thịnh chia sẻ.
Bình luận (0)