Giáo sư Nhật Bản: Đi học chỉ để vào đại học thì hơi ngớ ngẩn

Lê Hiệp
Lê Hiệp
14/09/2018 19:07 GMT+7

Giáo sư Shinichi Kitaoka, Chủ tịch Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), đã nói như vậy và cho rằng, cái nhìn dài hạn trong giáo dục sẽ giúp phát triển nguồn nhân lực bền vững cho sự phát triển của một quốc gia.

Sáng 14.9, Ban Tổ chức T.Ư phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản và JICA Việt Nam tổ chức buổi thuyết trình Chính sách phát triển nguồn nhân lực của Nhật Bản thời kỳ Minh trị Duy tân, ý nghĩa và tác động của nó đối với sự phát triển của Nhật Bản do giáo sư Shinichi Kitaoka thuyết trình.
Chủ nghĩa năng lực, trọng nhân tài
Tại cuộc họp báo sau đó, giáo sư Shinichi cho hay, một trong những đặc điểm của chính sách phát triển nguồn nhân lực của Nhật Bản thời kỳ Minh trị Duy tân (1868 - 1912) là chủ nghĩa năng lực hay chủ nghĩa trọng nhân tài.
Chủ tịch JICA giải thích, thời điểm đó, nhà cầm quyền Nhật Bản nhận thấy nguy cơ đe dọa sự ổn định của quốc gia, do đó rất cần phải có những người lãnh đạo có năng lực, có thể bao quát và giải quyết được những vấn đề của đất nước.
Theo ông Shinichi, đây chính là xuất phát điểm thực tế khiến tư tưởng trọng năng lực, trọng nhân tài trở thành đặc điểm nổi bật trong chính sách phát triển nguồn nhân lực thời kỳ này và chính điều đó giúp cho Nhật Bản phát triển.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về những tư vấn, khuyến nghị dành cho Việt Nam trong việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp của công chức, góp phần vào công tác phòng chống tham nhũng của Việt Nam hiện nay, Chủ tịch JICA cho hay, đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam là một phần của Dự án Việt - Nhật về cải cách hành chính đang thu được kết quả rất tốt.
Ông Shinichi cho rằng, công chức ở Nhật Bản nổi tiếng là những người làm việc chăm chỉ, “sạch sẽ” và lương thấp, do đó, cách làm hiện nay của JICA là dùng chính thực tế của Nhật Bản để góp phần nâng cao đạo đức nghề nghiệp của công chức Việt Nam.
“Muốn loại bỏ hoàn toàn tham nhũng, tất nhiên phải đi kèm với việc tăng lương cho công chức. Tuy nhiên, việc tăng lương không phải dễ dàng thực hiện ngay. Vì vậy, việc học hỏi từ thực tế Nhật Bản là cách làm mà chúng tôi đang triển khai”, vị giáo sư Nhật Bản nói.
Phải có cái nhìn lâu dài trong giáo dục
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan tới kinh nghiệm của Nhật Bản trong phát triển giáo dục phổ thông, nhất là với vấn đề sách giáo khoa, ông Shinichi cho biết, vào thời Minh trị Duy tân, thay vì chỉ dạy về đạo đức, sách giáo khoa của Nhật Bản bắt đầu đưa vào những kiến thức thực tế rộng rãi hơn để dạy cho học sinh.
“Quan điểm lúc đó là thực học, tức là học sinh học những gì có trong thực tiễn, có thể áp dụng, thực hành được trong thực tiễn”, ông Shinichi nói.
Tuy nhiên, Chủ tịch JICA cho rằng, những cải cách giáo dục hiện tại của Nhật Bản đang làm mất đi tinh thần tiến bộ của thời kỳ cải cách Minh trị Duy tân.
“Vào thời kỳ đó, người ta không đi học vì mục đích có được một chức vụ hay vị thế nào đó trong xã hội. Người ta học vì yêu thích ngành học đó và với mong muốn đóng góp cho xã hội”, giáo sư Nhật Bản nói và cho rằng, nếu học chỉ vì những mục đích là vào đại học hay có một chức vụ nào đó thì “hơi ngớ ngẩn”.
“Giáo dục không phải là để chúng ta đạt được mục tiêu trước mắt, là vào đại học hay có được một chức vụ nào đó. Cần phải nhìn giáo dục dài hạn hơn mới có thể có nguồn nhân lực bền vững cho sự phát triển của một quốc gia”, giáo sư Shinichi chốt lại.
Buổi thuyết trình của giáo sư Shinichi Kitaoka là hoạt động trong khuôn khổ Dự án Việt - Nhật về cải cách hành chính, trong đó có hợp phần về đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đồng thời cũng là hoạt động hướng tới kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước Việt Nam - Nhật Bản.
Buổi thuyết trình đã được truyền hình trực tiếp tới 73 điểm cầu trong cả nước với hơn 2.000 người tham dự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.