Giáo viên nhận xét đề thi môn ngữ văn gây 'sốc' ngay câu đọc hiểu

Bích Thanh
Bích Thanh
07/07/2021 11:27 GMT+7

Giáo viên Lê Hải Minh, dạy môn ngữ văn tại Quận 1, TP.HCM nhận xét, trái dự đoán, thi trong bối cảnh dịch bênh, tưởng đề dễ mà lại phân hóa cao.

Theo thầy Lê Hải Minh, đề thi môn ngữ văn, với văn bản trong phần Đọc hiểu cùng yêu cầu của phần này đòi hỏi thí sinh phải thực sự có chiều sâu. Hai câu hỏi đầu tiên thì có thể dễ dàng vượt qua nhưng đến câu thứ 3 đã thể hiện sự phân hóa. Đặc biệt ở câu hỏi cuối, nếu hời hợt thì thí sinh chỉ có thể làm được nghĩa đen của vấn đề mà thôi.

Câu nghị luận xã hội là một chủ đề quen thuộc với học sinh bởi trong thời gian qua các em cũng đã được ôn tập chủ đề này. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19, xuất hiện nhiều câu chuyện, nhiều hình ảnh thể hiện sự cống hiến với cộng đồng và xã hội để đồng lòng chống dịch.

Đề thi tốt nghệp THPT môn ngữ văn năm 2021

BT

Tương tự, ở phần nghị luận văn học, tác phẩm Sóng nằm trong trọng tâm kiến thức ôn tập môn ngữ văn. Nhưng để làm được bài nghị luận này rất cần thí sinh có sự khái quát về thơ của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh cũng như chỉ ra được sự khác biệt của tác giả với các nhà thơ cùng thời.

Thi tốt nghiệp THPT 2021: thí sinh nói gì về đề văn?

Cô Hồ Thị Tuyền, Tổ trưởng chuyên môn văn Trường THPT Nhân Việt (TP.HCM), cho rằng, cấu trúc đề văn bám sát với cấu trúc đề minh họa của Bộ GD-ĐT. Độ khó cũng vừa phải, học sinh với năng lực trung bình có thể kiếm được điểm nếu đọc kỹ yêu cầu đề thi.
Phần nghị luận xã hội, theo cô Tuyền, “sự cần thiết phải biết sống cống hiến” là vấn đề hay và phù hợp với hiện thực cuộc sống đang diễn ra. Từ đó, khơi gợi cảm xúc của học sinh về lứa tuổi thanh niên - người đóng vai trò quan trọng với nhiều vấn đề quan trọng hiện nay của đất nước.
“Phần nghị luận văn học là phần lạ, đặc biệt bất ngờ với thí sinh “học tủ”. Năm ngoái đề đã hỏi về thơ, năm nay lại tiếp tục về thơ trong khi tâm lý đoán đề của nhiều học sinh sẽ ra về truyện”, cô Tuyền chia sẻ.
Tuy nhiên, cô  Tuyền nhận xét: “Dù đề môn ngữ văn có chút lạ, không dễ nhưng mức độ vừa phải, không đánh đố và tạo cơ hội cho học sinh lấy điểm. Học sinh sức học trung bình có thể hoàn thiện được bài làm, học sinh có năng lực dễ lấy điểm cao. Ngay cả phần nghị luận văn học, những nội dung đặt ra trong 3 khổ thơ của đề cũng không quá khó và yêu cầu học sinh có năng lực ngôn ngữ và diễn đạt tốt”.

Hà Ánh 

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.