Giáo viên tiếng Anh không đạt chuẩn sẽ bị giảm biên chế?

09/03/2019 09:03 GMT+7

Sau bước xây dựng và thực hiện đề án nâng cao chất lượng giáo viên tiếng Anh, tỉnh Thanh Hóa tiến hành khảo sát toàn bộ giáo viên môn học này trên toàn tỉnh.

Điểm tiếng Anh xếp thứ 56/63 tỉnh, thành

Ngày 17.9.2018, UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định phê duyệt “Đề án nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025”. Ngay sau khi đề án được thông qua, Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa thông báo cho tất cả giáo viên (GV) tiếng Anh trên địa bàn chuẩn bị tham gia khảo sát năng lực. Cụ thể, tổng số GV trong năm 2019 phải khảo sát là 1.180 người. Đợt 1 từ ngày 9 - 10.3 sẽ khảo sát 630 GV chưa từng tham gia các đợt khảo sát, chưa đạt chuẩn trình độ theo quy định hiện hành. Đợt 2 từ ngày 20 - 21.4 sẽ khảo sát 550 GV đã tham gia các lớp bồi dưỡng và đạt chuẩn theo quy định.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, Thanh Hóa xây dựng đề án nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ là do những năm học gần đây học sinh (HS) tỉnh này đạt kết quả rất thấp môn tiếng Anh, đáng chú ý năm 2016 xếp thứ 56/63 tỉnh, thành cả nước.
Trước khi lập đề án, Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành khảo sát và thấy rằng: Năm 2015 toàn tỉnh có 2,32% HS đạt điểm khá giỏi; 3,03% HS điểm trung bình; 94,65% HS điểm yếu kém. Năm 2016 chỉ có 0,46% HS đạt điểm khá giỏi; 1,83% HS điểm trung bình và có đến 97,71% HS điểm yếu kém, xếp thứ 56 trên tổng số 63 tỉnh, thành cả nước về điểm trung bình môn tiếng Anh. Trong khi đó, chất lượng GV không ổn định, số GV phổ thông tốt nghiệp các hệ đào tạo không chính quy có tới 55,17%, trong đó THPT: 26%, THCS: 66,48%, tiểu học: 73,04%, so với các tỉnh lân cận.

Giáo viên không đạt sẽ bố trí công việc khác

Từ kết quả khảo sát trên, Sở GD-ĐT tỉnh cho rằng chất lượng đội ngũ GV ngoại ngữ chính là điều kiện tiên quyết đảm bảo chất lượng dạy học. Trao đổi với Thanh Niên, bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, cho biết sau khi đề án được duyệt và thông báo thời gian khảo sát, Sở và nhiều đơn vị chức năng đã nhận được nhiều ý kiến, tâm tư của GV. Nhiều GV lo lắng sau khi khảo sát nếu không đạt chuẩn có bị cho ra khỏi ngành hay không.
“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chất lượng đào tạo tiếng Anh cho HS đạt kết quả thấp, nhưng nguyên nhân từ chất lượng GV là chính. Do vậy, thực hiện đề án là nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Sau đợt khảo sát, những GV không đạt tiêu chuẩn sẽ phải tự học hoặc được tổ chức bồi dưỡng kiến thức. Bồi dưỡng xong sẽ khảo sát lại, nếu đạt thì tiếp tục giảng dạy bình thường, nếu không đạt thì sẽ xem xét, có thể bố trí công việc khác hoặc thực hiện tinh giản biên chế theo quy định”, bà Hằng nói.

Có tuyển dụng giáo viên tốt nghiệp hệ không chính quy ?

Ngoài những băn khoăn sau khảo sát của GV, nhiều người cũng thắc mắc trường hợp GV đã từng tham gia các đợt khảo sát trước đây, được các cơ sở GD-ĐT cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn về tiếng Anh thì có phải khảo sát hay không. Bà Hằng khẳng định, một số GV nói là được cấp chứng chỉ nhưng thực chất đó là giấy xác nhận năng lực tiếng Anh chứ không phải chứng chỉ như GV cho biết.
Theo đề án, ngoài khảo sát GV tiếng Anh, trong năm học 2018 - 2019, ngành giáo dục Thanh Hóa tuyển dụng 249 GV tiếng Anh còn thiếu ở các cấp. Hiện tại có 55,17% GV tiếng Anh tốt nghiệp các hệ không chính quy, nên nhiều người lo lắng giáo viên hệ không chính quy sẽ không được tuyển dụng. Bà Hằng thông tin, sắp tới Sở GD-ĐT Thanh Hóa sẽ xây dựng kế hoạch và tiêu chí tuyển dụng GV tiếng Anh, còn việc có tuyển dụng người có trình độ đào tạo không chính quy hay không thì phải xem xét lại.
Sở GD-ĐT Thanh Hóa sẽ phối hợp với Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội và Trường ĐH Vinh tổ chức khảo sát chất lượng GV. Hiện công tác chuẩn bị đã hoàn thành, các phòng thi đã được lắp đặt camera để tránh tình trạng gian lận trong thi cử.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.