Tổng Liên đoàn lao động (TLĐLĐ) Việt Nam vừa gửi văn bản đến Bộ GD-ĐT đề nghị cho ý kiến một số nội dung liên quan đến Trường ĐH Tôn Đức Thắng để chuẩn bị triển khai thực hiện Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực từ tháng 7. 2019 (Luật 34). Các nội dung cụ thể như sau:
1. Các nội dung TLĐLĐ chỉ đạo Hội đồng trường và Ban giám hiệu Trường ĐH Tôn Đức Thắng tại văn bản số 655/TLĐ ngày 7.5.2019 có phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành hay không? Có vi phạm chỉ đạo của Bộ GD-ĐT tại công văn số 499/BGDĐT-GDĐT ngày 14/02/2019 về việc chuẩn bị thực hiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH?
2. Về một số nội dung Luật 34.
- Theo nội dung quy định tại Điều 16, Hội đồng trường ĐH công lập có thẩm quyền quyết định hiệu trưởng nhà trường theo thủ tục quy định tại Quy chế tổ chức và hoạt động của trường và trình cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công nhận.
Vậy, việc tiến hành bổ nhiệm hiệu trưởng nhà trường thực hiện theo các quy định của Luật Giáo dục ĐH có phải thực hiện theo các quy định của Đảng và TLĐ về cán bộ hay không? Các quy định của Đảng về công tác cán bộ có là căn cứ để quy định các nội dung, quy trình về cán bộ trong Quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường hay không?
- Theo quy định tại Khoản 1, Điều 16, “Hội đồng trường của trường ĐH công lập là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan”. Vậy khái niệm “quyền đại diện của chủ sở hữu” nên được hiểu thế nào? Cơ quan chủ quản thực hiện quyền của chủ sở hữu thông qua Hội đồng trường bằng cách nào khi số lượng tham gia Hội đồng trường chiếm tỷ lệ thấp, trong khi quy định tại Điểm c, Khoản 5 Điều 16: “Hội đồng trường làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số…”?
- Theo quy định tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 16, Hội đồng trường có trách nhiệm: “Quyết định và trình cơ quan quản lý thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng ĐH…”; Khoản 1, Điều 20: “Hiệu trưởng cơ sở giáo dục ĐH công lập do Hội đồng trường, Hội đồng ĐH quyết định và được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận…”. Vậy khái niệm “cơ quan quản lý có thẩm quyền” ở đây là cơ quan nào? Đối với Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cơ quan quản lý có thẩm quyền có phải là TLĐ Việt Nam không? Trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường, có định danh rõ cơ quan quản lý là TLĐ được không?
3. Về việc phong giáo sư của tiến sĩ Lê Vinh Danh và tự phong giáo sư cho các giảng viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng
- Tiến sĩ Lê Vinh Danh có bằng chứng nhận giáo sư được cấp tại Preston University (Alabama, Mỹ) do ông Jeery Haenisch, hiệu trưởng, ký ngày 20.7.2007. Trên cơ sở bằng chứng nhận giáo sư được cấp bởi Preston University, năm 2012 tiến sĩ Lê Vinh Danh làm thủ tục công nhận giáo sư tại Việt Nam. Tuy nhiên, có căn cứ cho thấy Jeery Haenisch là hiệu trưởng có hoạt động cấp bằng giả mạo dù không qua thực tế đào tạo trong năm 2007. Đến nay các bằng cấp do trường này cấp chưa bao giờ được công nhận tại Mỹ.
- Bên cạnh đó, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã ban hành quy định về các tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức vụ chuyên môn của trường. Trong đó có các chức danh giáo sư trợ lý, giáo sư dự bị và giáo sư thực thụ cho các giảng viên của trường. Bộ GD-ĐT đã có công văn số 5309/BGDĐT/CCBQLNG ngày 14.10.2015 về việc không đồng ý thông qua Quy chế về tiêu chuẩn, quy trình, hồ sơ đề nghị xét và bổ nhiệm chức vụ chuyên môn của Trường ĐH Tôn Đức Thắng.
TLĐLĐ Việt Nam đề nghị Bộ GD-ĐT: Xem xét tính hợp pháp của việc ban hành quy định các chức vụ chuyên môn giáo sư của Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Thẩm định, xác minh, cho ý kiến về việc tiến sĩ Lê Vinh Danh được cấp bằng giáo sư tại Preston University (có hợp pháp và được công nhận tại Việt Nam hay không), về quy trình bổ nhiệm giáo sư của tiến sĩ Lê Vinh Danh tại Việt Nam.
Bình luận (0)