Học phí đại học tăng bao nhiêu là vừa ?

Hà Ánh
Hà Ánh
23/06/2020 08:38 GMT+7

Năm học tới, học phí nhiều trường đại học công lập sẽ cao ngang ngửa với các trường tư thục. Vấn đề nhiều người quan tâm là học phí tăng đến đâu là phù hợp với khả năng chi trả của người học?

Học phí đầu tư cho học ĐH bằng 3 - 5% thu nhập cả đời

Xu hướng tăng mạnh học phí (HP) các trường đại học (ĐH) công lập, các chuyên gia không phản đối nhưng có những đề xuất về mức tăng phù hợp và các chính sách đi kèm.
Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, phân tích mức HP hiện tại đang ở mức thấp xét trên lợi ích người học; khi giảm chi ngân sách nhà nước cho giáo dục ĐH để tập trung cho giáo dục phổ thông thì tăng HP là hợp lý.
“Tuy nhiên, đáng buồn là nguồn thu của các trường ĐH trong nước hiện chủ yếu từ HP. Nếu có thêm các nguồn thu khác bên ngoài, từ nghiên cứu khoa học sẽ giảm bớt gánh nặng cho người học”, ông Tống nói.
Đồng quan điểm này, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến, nói: “Tất cả các trường ĐH hiện nay đều phải tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo. Ở nước ngoài, chi phí này không chỉ có HP nhưng ở VN thì gần như chỉ có HP. Do vậy, vấn đề làm sao để đảm bảo bài toán chi phí phù hợp với khả năng chi trả của người học”.

Nếu có thêm các nguồn thu khác bên ngoài, từ nghiên cứu khoa học sẽ giảm bớt gánh nặng cho người học

Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM

Theo tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng, trên thế giới HP ĐH đang được tính theo nhiều cách khác nhau. Với các nước phát triển, HP này có thể nằm ở khoảng 50% thu nhập bình quân đầu người. Nhưng với các nước chưa phát triển, ngay cả VN thì không thể theo cách trên. Thay vào đó, HP ĐH có thể chấp nhận được nếu bằng mức thu nhập trung bình của 1 - 2 năm đầu tiên sau khi sinh viên ra trường đi làm. Với cách tính này, HP đầu tư cho học ĐH sẽ tương đương khoảng 3 - 5% tổng thu nhập cả đời người làm việc.

Không được tính tài sản nhà nước đầu tư vào chi phí đào tạo

Câu hỏi đặt ra với các trường ĐH công lập hiện nay là khi chuyển sang tự chủ, HP cần được tăng tới mức nào cho phù hợp? Trả lời câu hỏi này, tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng phân tích: “Với nguyên tắc thu bù chi, ở trường công khi nhà nước đã đầu tư đất đai và cơ sở vật chất thì các chi phí này không được tính vào chi phí đào tạo. Chỉ phần khấu hao tài sản, chi phí thường xuyên để duy trì cơ sở vật chất thì mới được tính để cân nhắc việc thu HP”.
Bên cạnh loại hình trường chuyển sang tự chủ hoàn toàn, ở hầu hết trường ĐH công lập đang tồn tại đồng thời chương trình đại trà thu HP thấp theo mức trần quy định của Chính phủ và chương trình chất lượng cao được thu HP tương ứng. Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống dù ủng hộ chủ trương các trường tự chủ nhưng không đồng tình với mô hình chương trình chất lượng cao đang tồn tại trong trường công lập.

Nên hỗ trợ cho sinh viên vay không lãi suất

Việc tăng HP nên ở mức vừa phải vì nếu HP tăng quá cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Mình nghĩ quan trọng nhất là các chính sách hỗ trợ cho sinh viên nghèo được vay dài hạn và không lãi suất. Sau khi ra trường, sinh viên có thể hoàn trả trong vòng 1 - 2 năm đầu đi làm.
Nguyễn Đình Hiệu (cựu sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM)
Ông Tống nói: “Trường công được nhà nước đầu tư, việc một bộ phận sinh viên đóng HP cao hơn, điểm đầu vào thấp hơn nhưng được thụ hưởng chất lượng học tập ưu tiên hơn thì không hợp lý. Điều này tạo ra sự phân biệt, có phần thiếu công bằng với sinh viên đóng tiền thấp hơn, điểm đầu vào cao hơn. Như vậy, vô hình trung đã biến trường công hoàn toàn thành một phần trường tư trong trường công”.

Cần chính sách cho vay sinh hoạt phí

Song song với bài toán tăng HP, các chuyên gia cho rằng cần đi kèm chính sách hỗ trợ người học.
Vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống cho rằng: “Tăng HP phải đi đôi với việc hỗ trợ cho sinh viên nghèo được vay HP, thậm chí vay sinh hoạt phí. Điều này nhằm tránh mâu thuẫn sinh viên nghèo phải đi làm thêm kiếm tiền học và bị phản tác dụng”. Cũng theo ông Tống, chính sách này phải từ nhà nước chứ không phải các trường. Học bổng các trường đang có chỉ hỗ trợ một phần người học không giải quyết được tổng thể và lâu dài.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng, cũng cho rằng chính sách tín dụng này phải ở cấp quốc gia.
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, ý kiến: “Cần phải như các trường nước ngoài là có thu vào nhưng có chi ra cho người học. Trường ĐH phải chi một phần lớn để hỗ trợ ngược lại cho người học. Theo quy định hiện nay các trường phải trích tối thiểu 8% nguồn thu HP để cấp học bổng cho sinh viên. Nhưng mức này có thể phải nhiều hơn thì mới công bằng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.