Học sinh đăng ký học nghề thay vì vào lớp 10

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
23/06/2020 07:04 GMT+7

Nhận thức của phụ huynh đang dần có sự thay đổi khi không ngần ngại cho con đăng ký học nghề thay vì thi vào lớp 10 bằng mọi giá như trước đây.

Được hỗ trợ kinh phí khi học nghề

Ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng Giáo dục Q.6 (TP.HCM), cho biết quận có 10 trường THCS, hằng năm có khoảng 4.000 học sinh (HS) lớp 9. Trong đó, có khoảng 10% tốt nghiệp THCS đăng ký học nghề luôn chứ không thi vào lớp 10. Tổng số HS rẽ sang học nghề hằng năm là khoảng hơn 800, bao gồm cả những HS không đậu lớp 10 công lập. Sở dĩ có được kết quả đó là vì quận rất coi trọng việc phân luồng. Lãnh đạo phòng giáo dục hướng dẫn hiệu trưởng từng trường và các giáo viên chủ nhiệm lớp 9 định hướng, tư vấn cho các em. HS nào không có khả năng thi vào lớp 10 hoặc điều kiện gia đình khó khăn, muốn học để sớm có nghề nghiệp thì các thầy cô sẽ hướng đi học nghề.

Hiện nay nhiều trường CĐ, trung cấp liên kết với các doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra cho các em ngay tại doanh nghiệp đó, với mức lương từ 8 - 15 triệu đồng tùy ngành nghề, tùy doanh nghiệp. Trong quá trình đi làm nếu muốn liên thông lấy bằng ĐH, các em chỉ mất thêm 1 năm rưỡi nữa

Tiến sĩ PHẠM HỮU LỘC, Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng

Theo ông Uyên, mỗi năm quận đều phối hợp các trường cao đẳng (CĐ), trung cấp trên địa bàn tổ chức đưa HS đi tham quan trường nghề.
“Sau khi có danh sách các em không vào THPT, phòng giáo dục cũng chia theo từng phường. Giáo viên và nhân viên phụ trách phổ cập giáo dục của mỗi phường sẽ có trách nhiệm liên hệ đến từng phụ huynh để tư vấn hướng đi phù hợp với từng HS. Có em sẽ được tư vấn đi học THPT ngoài công lập, có em đi học trung tâm giáo dục thường xuyên, có em được tư vấn đi học nghề. Số phụ huynh đồng ý cho con đi học nghề ngày càng nhiều hơn, do các em vừa được miễn phí học trung cấp, vừa được hội khuyến học của phường hỗ trợ kinh phí”, ông Uyên cho biết thêm.
Tại Q.12, số lượng HS lớp 9 hằng năm khoảng 5.000. Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng Giáo dục Q.12, chia sẻ: “Hiệu trưởng các trường sẽ tổ chức hướng dẫn giáo viên tư vấn cho phụ huynh và HS các hướng đi tùy theo năng lực của mỗi em. Có khoảng 1.000 em không đậu vào lớp 10 công lập. Trong đó, khoảng 30% đăng ký vào học các trường CĐ, trung cấp”.
Tại Trường trung cấp nghề Việt Giao, mỗi năm cũng có khoảng hơn 300 HS tốt nghiệp THCS vào học trên tổng số 600 HS. Thạc sĩ Trần Phương, Hiệu trưởng, thông tin: “Là đơn vị cung cấp giáo viên dạy hướng nghiệp cho nhiều trường THCS tại các quận 1, 3, 5, 10, Bình Thạnh, chúng tôi vẫn kiên trì định hướng cho các em theo sở thích, năng lực cũng như điều kiện gia đình. Em nào thích kỹ thuật thì giáo viên lại giới thiệu những ngành nghề tại các trường kỹ thuật, thích du lịch thì giới thiệu trường có đào tạo về du lịch, thích học trung tâm giáo dục thường xuyên thì cũng động viên các em đăng ký...”.
Tuy nhiên, theo thạc sĩ Phương, khó nhất vẫn là thay đổi tâm lý của phụ huynh và ngay cả chính những người làm công tác giáo dục, khi phần lớn vẫn cho rằng “học dốt mới đi học nghề” hoặc “phải học ĐH mới tốt”.

Nhiều biện pháp thu hút học sinh học nghề

Trong những năm qua, để thu hút đối tượng tốt nghiệp THCS vào học tại trường mình, lãnh đạo các trường CĐ, trung cấp đã rất nỗ lực đến từng trường THCS để hướng nghiệp.
Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng, cho rằng điều quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền đến phụ huynh để phụ huynh hiểu được những ưu thế trong học nghề, hiểu được học nghề là con đường lập nghiệp nhanh nhất.
“Với thời gian từ 3 năm rưỡi đến 4 năm, các em đã có được bằng CĐ và được doanh nghiệp tuyển dụng với mức thu nhập cao ở rất nhiều ngành nghề như công nghệ ô tô, cơ điện tử, điện công nghiệp, cắt gọt kim loại, kế toán, du lịch… Hiện nay nhiều trường CĐ, trung cấp liên kết với các doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra cho các em ngay tại doanh nghiệp đó, với mức lương từ 8 - 15 triệu đồng tùy ngành nghề, tùy doanh nghiệp. Trong quá trình đi làm nếu muốn liên thông lấy bằng ĐH, các em chỉ mất thêm 1 năm rưỡi nữa”, tiến sĩ Lộc cho hay.
Trong khi đó, tại Trường CĐ Viễn Đông, chương trình 9+ mỗi năm cũng tuyển được khoảng 11 lớp (gần 500 HS). Trường phối hợp với các trường THCS trên địa bàn các quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, huyện Hóc Môn để hằng năm tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho HS lớp 9.
Thạc sĩ Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng, nhận định: “Để các em tốt nghiệp THCS yên tâm đi học nghề thì các trường CĐ, trung cấp phải có các khóa học thực sự cuốn hút, khơi dậy và phát huy khả năng tiềm ẩn trong mỗi HS. Phải tự đổi mới chương trình, thiết bị để gắn với thực tiễn. Hiện nay nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích các em tốt nghiệp THCS đi học nghề như miễn học phí ở bậc trung cấp, cho phép các em THCS học thẳng lên CĐ, đội ngũ thợ lành nghề lại đang rất thiếu, nếu được miễn phí thêm ở giai đoạn học CĐ nữa thì sẽ có thêm động lực cho các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn đi học”.
Bà Phạm Quang Trang Thủy, Hiệu trưởng Trường trung cấp Kỹ thuật - công nghệ Hùng Vương, cũng cho biết trường có 2/3 HS đang học tốt nghiệp THCS, trong đó có nhiều em quyết định đăng ký học nghề ngay từ đầu chứ không thi vào lớp 10. Bà Trang Thủy cho rằng để thu hút hơn nữa, nên chăng trong hồ sơ đăng ký nguyện vọng của HS thi vào lớp 10, có một ô nguyện vọng dành cho trường nghề để các em có thêm một lựa chọn tất yếu nếu như rớt vào các trường THPT công lập.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.