Phát biểu trong hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH do Bộ GD-ĐT tổ chức tại TP.HCM chiều 12.12, PGS-TS Hoàng Thị Thúy Nguyệt, Trưởng bộ môn Quản lý tài chính công, Học viện Tài Chính cho rằng luật sửa đổi đã có sự công bằng giữa công và tư. Theo dự thảo sửa đổi này, học phí các trường ĐH công lập sẽ được tính dựa trên giá dịch vụ theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên theo bà Nguyệt, vấn đề ở đây là giá dịch vụ nên tính như thế nào để con em nhà nghèo vẫn có thể theo học như chính sách tín dụng học tập, học bổng.
“Kinh phí chi thường xuyên cho các trường, tính cả khấu hao tài sản cố định nếu chuyển qua giá dịch vụ thì học phí sẽ rất đắt”, bà Nguyệt nhấn mạnh.
Cũng liên quan trực tiếp đến người học, dự thảo này quy định thời gian đào tạo bậc ĐH trong vòng 3-6 năm. Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), quy định này sẽ phù hợp với nhiều loại hình đào tạo và các ngành nghề khác nhau. Trong đó một số trường như ĐH Việt Đức thời gian đào tạo ĐH có thể 3 năm nhưng ngành y vẫn phải duy trì 6 năm.
tin liên quan
Đề xuất bỏ thi tốt nghiệp THPTVề vấn đề này, PGS-TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho rằng thời gian đào tạo một bác sĩ vẫn phải bắt buộc 6 năm, không thể rút ngắn 4 năm. Tuy nhiên một bác sĩ đa khoa sau khi hoàn tất 6 năm bậc ĐH và 18 tháng học để lấy chứng chỉ hành nghề nhưng đi làm chỉ được hưởng mức lương của một người tốt nghiệp ĐH thì không công bằng. Vì vậy cần phải được công nhận tương đương với trình độ thạc sĩ với đối tượng này.
Hội thảo còn đề cập đến vấn đề kiểm định và đảm bảo chất lượng các trường ĐH.
Theo GS Nguyễn Lộc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, điểm đáng lưu ý trong sửa đổi luật lần này là công tác kiểm định được giao cho các tổ chức độc lập bên ngoài thay vì các trung tâm kiểm định trong trường ĐH như hiện nay. Tổ chức này có thể là cơ quan báo chí, các hiệp hội bên ngoài…
Bình luận (0)